"Mạng xã hội Trung Quốc quá đông những kẻ côn đồ"
Có vẻ như trên các mạng xã hội (MXH), chính quyền Trung Quốc đang thả cửa cho cư dân mạng nước này hô hào những ngôn từ đầy tính cực đoan, bạo lực nhằm ủng hộ cho chính sách xâm lược của chính quyền Bắc Kinh đối với vùng biển Việt Nam.
Dường như Bắc Kinh lại muốn “dùng lại kịch bản” dung dưỡng tinh thần dân tộc cực đoan và hiếu chiến của người Trung Quốc như những gì đã làm trước đây đối trào lưu bài Nhật.
Người biểu tình Trung Quốc đang đập phá một chiếc xe hơi Nhật. |
Ngày 26/5, ngay sau khi hung hãn đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa Việt Nam, Trung Quốc còn dùng thông tin này để kích động, mua chuộc sự ủng hộ của những phần tử hiếu chiến trong nước.
Theo tác giả Didi Kirsten Tatlow trên tờ New York Times, ngay sau khi công bố thông tin về thứ “chiến công” vô nhân tính và bất chấp luật pháp (đâm chìm tàu cá nước khác) của mình, Trung Quốc đã “thả cửa” cho cư dân mạng nước này hô hào những ngôn từ đầy tính cực đoan, bạo lực, nhằm ủng hộ cho chính sách xâm lược của chính quyền Bắc Kinh đối với vùng biển Việt Nam.
“Tất cả những tiếng nói chỉ trích đã bị ẩn đi, bao gồm cả những chỉ trích gay gắt dành cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ý kiến này cho rằng những phát ngôn của Trung Quốc về Việt Nam sau hành động đâm chìm tàu ngư dân đã đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng Trung Quốc đang hành động như một kẻ mạnh nhưng hung hãn và thô lỗ.
Nhưng tất cả những bình luận này đã nhanh chóng bị “làm cỏ” bởi một lực lượng kiểm soát hùng hậu, bao gồm cả các cảnh sát và các công ty Internet của chính quyền Trung Quốc”, New York Times bình luận.
Tất cả những gì còn lại trên mạng chỉ toàn những phát ngôn ủng hộ hành động hung hăng, vô nhân tính của chính phủ Trung Quốc.
“Những gì Trung Quốc đang làm với Việt Nam cũng chỉ giống như những gì các nước khác đang làm với Trung Quốc.
Hàn Quốc bắt ngư dân Trung Quốc. Nhật Bản cũng bắt ngư dân Trung Quốc. Nga bắn vòi rồng tấn công các tàu Trung Quốc. Và bây giờ, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam, hahahahaha”.
Đây là một bình luận của một người Trung Quốc trên trang ifeng.com, nó thể hiện rõ sự ngang ngược, thiển cận, tinh thần nhược tiểu, thói “hèn trước kẻ mạnh, ác trước kẻ yếu” trong suy nghĩ và lối hành xử.
Nhưng trớ trêu thay, đây lại chính là bình luận được cư dân mạng Trung Quốc trên trang này đánh giá cao nhất, với hơn 13.000 lượt nhấn nút “cộng điểm”.
Tất cả những bình luận cực đoan, hiếu chiến và vô nhân đạo như thế đang tràn lan và được nhà chức trách Trung Quốc “thả cửa” trên mạng xã hội, trong khi những tiếng nói “trái chiều” ngay lập tức bị dập vùi.
Một bình luận trên mạng Sina Weibo đã chỉ trích nặng nề bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, nói rằng các phát ngôn và cung cách ngoại giao giữa các quốc gia đáng ra phải “lịch thiệp hơn nhiều”.
Bình luận này đã ngay lập tức bị ẩn đi, nhưng những người có suy nghĩ tiến bộ ở Trung Quốc đã kịp ghi lại và đưa nó lên trang Freeweibo, một website đặt máy chủ ở nước ngoài để đăng những “vấn đề bị bịt miệng trên Weibo”.
Bình luận chỉ trích gay gắt Bộ Ngoại giao Trung Quốc của Duan trên trang FreeWeibo (ảnh chụp màn hình) |
Duan Wanjin, một luật sư trên mạng Sina Weibo, nói Trung Quốc đã không có lối hành xử xứng đáng như một “cường quốc”.
“Tranh chấp lãnh thổ là điều cần phải nói đến và nước này không được ỷ thế bắt nạt, hạ nhục nước kia, trừ khi Trung Quốc muốn mối quan hệ với Việt Nam sẽ giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên”, Duan viết.
“Ngày hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tràn ngập những chú hề, những kẻ xu nịnh chỉ muốn lấy lòng với các lãnh đạo, không có một chút tư chất, tinh hoa Nho giáo nào. Rặt những kẻ côn đồ. Tiền đồ của đất nước này thật tăm tối”, Duan chỉ trích gay gắt.
Những bình luận ấy không bao giờ được “sống lâu” trên các website hay mạng xã hội Trung Quốc. Thay vào đó, người ta đang “làm ngơ” cho những lời kêu gọi chiến tranh.
“Cách tốt nhất để đánh gục Việt Nam là tấn công Nhật Bản. Hãy giết con khỉ để dọa con gà”, một thành viên có viết đầy hung hãn trên Sina.
Câu nói ngoài ý đe dọa còn đảo ngược thứ tự nhằm hàm ý miệt thị Việt Nam là một nước nhỏ và yếu hơn so với Nhật mà lại dám “đương đầu với Trung Quốc”, New York Times giải thích.
Với những gì đang diễn ra trên mạng xã hội Trung Quốc, phải chăng nhà chức trách nước này đã quá đãng trí, chóng quên đi những bài học cay đắng khi dung dưỡng tinh thần dân tộc cực đoan và hiếu chiến trong nước chỉ 2 năm trước đây, khi họ xung đột với Nhật trên biển.