Mạng ảo ngày càng lấn lướt những mối quan hệ thật
Không gian tưởng chừng có sự xuất hiện của nhiều người như vậy sẽ trở nên náo nhiệt và sôi nổi, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Mọi thứ chìm trong im lặng và chỉ còn lại hoạt động của những ngón tay lướt trên màn hình điện thoại.
Khi bạn bật chế độ “kết nối internet” – hòa mình vào cuộc sống trên mạng ảo, dành quá nhiều thời gian cho việc lướt “new feed” cũng đồng nghĩa với việc bạn dần “mất kết nối” với mọi người xung quanh. Các mối quan hệ thật trở nên nhạt nhòa và tan biến.
Hình ảnh những nhóm bạn trẻ đi chơi, uống cà phê với nhau nhưng mỗi người cầm trên tay một chiếc smartphone, không ai nói chuyện với ai đã trở nên rất phổ biến |
Mạng xã hội ảo là sợi dây liên kết mọi người, ở những khu vực, vùng miền khác nhau với những ứng dụng ngày càng hấp dẫn và tiện ích, cùng với đó, mối quan hệ ngoài đời thực ngày càng nhạt nhòa...
“Con nghiện” mạng xã hội
Việt Nam là một trong những nước có số lượng người dùng mạng xã hội lớn trên thế giới. Trong đó, Facebook được sử dụng nhiều nhất, số lượng người dùng facebook ở nước ta xếp thứ 7 trên thế giới. Như một chất kích thích, chất gây nghiện, mạng xã hội dần dần ngấm sâu vào đời sống của con người. Chỉ cần có kết nối internet là bạn dễ dàng truy cập vào cộng đồng mạng này. Thời gian đầu, việc lướt đọc thông tin, chia sẻ ở tần số thấp, nhưng lâu dần nó hình thành thói quen khiến người ta khó bỏ.
Trần Thị Luân, sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: Mạng xã hội là công cụ quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là sinh viên bọn mình, nó mang lại rất nhiều lợi ích to lớn. Việc lướt mạng xã hội, nhất là Facebook là hoạt động không thể thiếu trong một ngày của mình. Trung bình mình dành khoảng 6 – 7 tiếng/ngày để truy cập mạng xã hội, vừa đọc thông tin, làm bài tập, vừa để giải trí.
Hiện tượng “nghiện” mạng xã hội biểu hiện ở tất cả những đối tượng, độ tuổi khác nhau. Nhưng nhiều nhất vẫn là giới trẻ, bởi việc thích ứng nhanh chóng với các tiện ích trên mạng xã hội.
Cô Phạm Võ Quỳnh Hạnh ( Thạc sỹ Xã hội học - giảng viên khoa Xã hội học – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ, internet và mạng xã hội trở thành công cụ và phương tiện phổ biến để trao đổi, chia sẻ thông tin trên toàn cầu. Chính vì vậy việc giới trẻ hiện nay nói chung hay học sinh viên viên nghiện mạng xã hội là điều không khó hiểu.
Mạng xã hội có sức hút với giới trẻ bởi mỗi 1 giây trôi qua thì hàng vạn thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội với ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh sinh động. Vì vậy, rất nhiều bạn liên tục truy cập MXH để được cập nhật thông tin. Bên cạnh đó còn rất nhiều mục đích khác nhau như: trò truyện, tán ngẫu, kết bạn, học tập, vui chơi, giải trí, kinh doanh/buôn bán... điều này khiến cho các bạn học, sinh viên mê mẩn MXH và mất khả năng kiểm soát bản thân. Các bạn có thể bỏ ra nhiều tiếng trong một ngày để truy cập mạng xã hội hay còn gọi là nghiện MXH.
Bản thân mạng xã hội không có hại, tuy nhiên việc sử dụng MXH như thế nào lại phụ thuộc vào chính bản thân mỗi cá nhân.
Nếu biết sử dụng MXH đúng, đủ và có đủ năng lực để phân tích thông tin thì nó sẽ mang lại những hiệu quả tích cực như được cung cấp thông tin, được giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ tất cả điều đó giúp nâng cao tri thức cho bản thân.
"Ngược lại nếu sử dụng MXH không đúng cách, bừa bãi, thiếu kiểm soát, năng lực nhận thức kém thì nó sẽ đem lại những mặt tiêu cực, hậu quả khó lường: lãng phí thời gian, lơi là học tập, ảnh hưởng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, dễ bị lừa đảo, chiếm đoạt...", giảng viên Phạm Võ Quỳnh Hạnh nói.
Cái kết của việc lạm dụng mạng ảo
Khác với những mối quan hệ được xây dựng dựa trên tình cảm gắn bó, khăng khít lâu dài thì việc kết nối qua các trang mạng ảo này được thiết lập một cách nhanh chóng. Chỉ cần một thao tác “click” chuột để gửi lời mời kết bạn, sau đó người kia đồng ý là hai bạn có thể trao đổi, chia sẻ với nhau như những người bạn thực sự ngoài đời.
Lạm dụng mạng xã hội khiến cho con người trở nên cô lập và bị động với những mối quan hệ giao tiếp trong thực tế, mà chỉ chú tâm vào việc trò chuyện, kết bạn trên mạng ảo. Người tham gia mạng xã nhiệt tình với những mối quan hệ ở đó nhưng lại trở nên lạnh nhạt, thờ ơ hơn với cuộc sống xung quanh. Sự vô cảm chính thức được xác lập và dần chiếm lấy mỗi con người. Nó ăn mòn những mối quan hệ, khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu, bực bội, xa dần với bạn. Và thật đáng sợ là những mối quan hệ vun đắp, xây dựng trong thời gian dài cũng có thể tan vỡ.
Đặc biệt có không ít những bạn trẻ tự làm hại mình khi sử dụng không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ. Biểu hiện ở việc tiếp xúc với những thông tin; hình ảnh không lành mạnh hay những đoạn clip “nóng” trên Facebook, Youtube... Hơn thế, mạng xã hội còn là “cầu nối” cho tội phạm. Sự phát triển rầm rộ của những phần mềm gián điệp tinh vi thường “ẩn náu” trong mạng ảo.
Vụ việc xảy ra ngày 7/5/2018, Lê Ngọc Nghĩa (sinh năm 1995, quê ở Bình Thuận) đã dùng hung khí và đâm chết Vương V. N (sinh năm 1994, ngụ tại xã Tân Tiến, Bình Thuận) do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook,là những bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều bạn trẻ nói riêng và người sử dụng mạng xã hội nói chung.
Những việc làm quá mức thường gây ra kết quả không tốt, thậm chí là thụt lùi, và mạng xã hội cũng vậy.
Nếu trong chừng mực cho phép thì đây là công cụ kết nối có ích, mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn cho sự phát triển của xã hội. Còn ngược lại, không vượt qua được cám dỗ, hay đi quá giới hạn thì mạng xã hội là mối nguy hiểm lớn đang rình rập.