“Mai, 26 âm lịch, chồng tôi đưa vợ con về ngoại ăn tết”
Đây không phải là năm đầu tiên chị Đ. P. Hoa (Q. Thanh Xuân) được đón giao thừa ở nhà bố mẹ đẻ. Kể từ khi lập gia đình vào năm 2009, chị đã 2 lần được bố mẹ chồng cho phép về quê ngoại ăn tết.
Theo chị Hoa, có rất nhiều lý do mà bố mẹ chồng cũng như chồng chị thoải mái trong việc “Tết thì về đâu” này. Trên hết, đó là việc ông bà nội lo lắng cho sức khỏe của hai đứa cháu, sợ chúng phải đi xa và thời gian đi lại gấp gáp sẽ sinh ốm. Vì thế, vợ chồng chị cùng ông bà nội đều thống nhất nên về quê ngoại sớm để khi hết Tết, chị lên Hà Nội đi làm thì các cháu cũng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cậu con lớn Bảo Bảo của chị Đ.P.Hoa đang đùa giỡn cùng bạn ở vườn đào Bách Nhật, Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú. |
Thêm một lý do nữa mà việc ăn Tết nhà ngoại của chị cũng trở nên dễ chịu hơn rất nhiều so với các gia đình khác là nhà chị ở chung với bố mẹ chồng. Suốt một năm, vợ chồng chị ở cùng ông bà nội, được sinh hoạt và phần nào chăm sóc đời sống tinh thần của ông bà.
Là trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu nước ngoài, trong suốt một năm rất ít khi chị Hoa được nghỉ dài ngày để về thăm bố mẹ. Chỉ còn dịp tết Nguyên Đán, thời gian được nghỉ làm cũng dài hơi thì vợ chồng chị mới có dịp để hiếu đáp bên nhà ngoại. Thế nên, khi vợ chồng chị đề xuất được về nhà ngoại, bố mẹ chồng chị gật đầu ngay dù vẫn có tâm lý vắng con vắng cháu thì buồn.
Việc về ngoại ăn Tết không phải là điều phổ biến trong văn hóa của người dân Việt Nam từ trước đến nay. Trong quan niệm cũ của hầu hết các thế hệ những người lớn tuổi, Tết là dịp để con cháu quây quần bên nhau, cùng nhau chăm chút cho bàn thờ tổ tiên, điều này đặc biệt quan trọng với những gia đình có con trai. Thêm vào đó, tư tưởng “xuất giá tòng phu” đã ngấm sâu vào suy nghĩ của người Việt, rằng con gái đã được gả đi lấy chồng tức là thành con nhà người. Những dịp lễ quan trọng, người con dâu sẽ phải đỡ đần, lo lắng cho công việc của gia đình nhà chồng là chính chứ không được về nhà bố mẹ đẻ.
Hiện nay, tư tưởng này cũng đã dần được cởi mở nhiều hơn, những ông bố bà mẹ bên nhà chồng cũng “thoáng nghĩ” hơn, xem Tết là dịp nghỉ lễ dài ngày và thuận theo sự sắp đặt lịch trình của con cái chứ không áp đặt truyền thống cũ nữa. Nhưng số các bố mẹ chồng dễ tính như vậy không nhiều, và thường cũng không phải là chiều con dâu vô điều kiện.
Theo chị Hoa, để nhận được sự đồng thuận của bố mẹ chồng trong những dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên Đán, chị cũng đã cố gắng để trong suốt một năm làm tròn vai một cô dâu thảo. “Trong suốt năm, mình phải thể hiện tốt vai trò làm dâu, không làm tổn hại gì đến các mối quan hệ trong gia đình thì ông bà nội mới lắng nghe ý kiến của mình được”, chị Hoa cho biết, “Thêm vào đó, mình cũng phải có sự đồng thuận của một thành viên khác trong gia đình, cụ thể là chồng mình, thì mọi chuyện mới dễ dàng hơn”.
“Bố mẹ chồng có thể không đồng ý hết với mình mọi chuyện. Nhưng ông bà tin những gì mình làm hàng ngày, và tin những quyết định của mình là hợp lý”, chị Hoa chia sẻ.
Cũng theo chị Hoa, quan trọng là khi xây dựng gia đình, mình phải tìm cách phá vỡ cái tư tưởng phong kiến của thế hệ trước, đả thông tư tưởng cho chồng thì người vợ mới có thể được thanh thản đón Tết ở nhà bố mẹ đẻ. Hơn nữa, cố gắng xây dựng những mối quan hệ gia đình trên nền tảng tôn trọng, hiểu biết, yêu thương, nhường nhịn nhau cũng sẽ hóa giải phần nào những định kiến truyền thống trong những gia đình có con trai.
“Thay vì tìm một điểm 10 hoàn hảo để rồi chỉ nhận được điểm 5 thấp kém thì tớ chọn điểm 7. Không quá hoàn hảo nhưng không quá tệ. Như vậy sẽ không ai phải hằn học hay bức xúc khi cư xử trong gia đình cả”.