Lý giải về ngôi mộ "tự lớn" ở Thanh Oai
Từ xưa đến này, người dân trong vùng thường truyền tai nhau rằng, ngôi mộ thờ một người đàn ông quê ở Thái Bình sang đây xin ăn. Tuy kiếm sống bằng nghề xin ăn, nhưng cốt cách thanh cao, mang dáng dấp của một nhà nho.
Do có nhiều người chết đói nên khi cụ chết, hương trưởng lúc bấy giờ đã cho người chôn tại nơi cụ hay dừng chân nằm nghỉ. Từ đó trở đi dù không được ai trông nom nhưng ngôi mộ cứ ngày một cao dần. Mỗi năm nhô lên một chút, tính đến nay ngôi mộ cao hơn so với thời điểm ban đầu khoảng 4m.
Ngôi mộ được bao phủ bởi cây cối càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của ngôi mộ |
Danh tính người nằm dưới ngôi mộ
Xung quanh câu chuyện về ngôi mộ nhiều năm liền cứ cao dần, chúng tôi tìm gặp cụ Dương Trọng Đồng, 93 tuổi thôn Cao Mật Thượng, xã Thanh Cao. Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của cụ vẫn tinh thông. Đặc biệt, khi nhắc đến ngôi mộ ven đường lộ cụ kể lại rành rọt từng mốc lịch sử.
Theo cụ Đồng, từ khi cụ sinh ra đã được các già làng kể về ngôi mộ này. Tuy nhiên, về năm mất chính xác của người nằm đó thì không một ai nắm rõ, chỉ biết rằng ngôi mộ này có từ rất xưa, trước nạn đói năm 1945 đến 60 – 70 năm.
Về lai lịch của người nằm dưới mộ, dân làng truyền rằng ngôi mộ này là của một người đàn ông, quê ở Thái Bình đi ăn xin. Khi đi qua khu vực này thấy cây đa có tán đẹp và tỏa bóng mát nên hàng ngày cụ vào làng đi xin, tối lại về ngủ dưới gốc cây đa. Đến khi cụ chết cũng chọn gốc cây này làm nơi ngả lưng cuối cùng.
“Ngày đó, hương trưởng thấy có người lạ chết mà chưa ai chôn cất bèn cho tuần giờ đắp cho cụ manh chiếu rồi đắp điếm. Tuy nhiên, cũng chỉ chôn cất qua loa, ngang bằng mặt ruộng chứ không đắp cao như bây giờ”, lời của cụ Đồng cho biết.
Các cụ ngày xưa kể lại, người nằm dưới mộ được chôn theo hướng rất đẹp theo phong thủy. Đầu gối trên đê để cụ hàng ngày có thể nhìn ra chợ. Cây đa cũng từ đó quanh năm tỏa bóng râm mát, dù mưa gió bão bùng cũng không hề bị quật đổ.
Từ đó trở đi, nhà hương trưởng làm ăn khấm khá, con cháu đuề huề. Đời con cháu về sau cũng có của ăn của để. Xã Thanh Thần ngày đó ai cũng có cơm ăn và việc làm.
“Ấy thế mà trận bão mấy năm trước đã quật đổ cây đa cổ thụ đi rồi. Dân làng thấy vậy, trồng cho cụ một cây đa mới để lấy bóng mát, hiện nay cũng cao tầm 2m”, cụ Đồng nhớ lại.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, trú tại thôn Thanh Thần hàng tháng người dân vẫn ra ngôi mộ này thắp hương, khấn vái cầu an cho người đã khuất và cho gia đình mình. |
Ngôi mộ “tự lớn” dần?
Xung quanh câu chuyện ngôi mộ tự cao dần, cụ Đồng xua tay giải thích: Ngôi mộ ngày một cao dần không phải là ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ câu chuyện ngày trước, có một người đàn bà gánh rau ra chợ bán bị ế, trên đường về nhà chị dừng chân ở ngôi mộ nghỉ ngơi. Thấy có ngôi mộ không đề tên tuổi, chị lấy quả ổi vừa xin được đặt lên mộ rồi khấn. Nghỉ ngơi xong, chị tiếp tục đi về, trên đường đi có người hỏi mua rau, chị bán được một nửa. Số còn lại, về đến nhà cũng bán hết. Tin rằng được người dưới mộ phù hộ, hôm sau chị cũng ghé vào ngôi mộ ven đường trước khi đến chợ, rau hôm đó cũng bán hết nhanh chóng.
Tiếng lành đồn xa, từ đó trở đi, mỗi khi người dân đi chợ đều ghé vào thắp hương, cầu bán đắt hàng. Mỗi lần ghé vào khấn, người dân thường mang theo nắm đất đắp lên ngôi mộ. Khi về, cũng mang một nắm đất vào tạ lễ. Lâu dần, ngôi mộ cứ thế được bồi đắp lên cao.
“Ngày đó, người ta đặt cụ vào cái rãnh thoái nước rồi lấp qua loa. Lâu dần được mối đùn và được người dân ai đi qua cũng đắp cho cụ một nắm đất nên hiện nay ngôi mộ không những cao hơn mặt ruộng mà còn cao hẳn so với mặt đường 1,5m”, cụ Đồng cho biết.
Theo cụ Dương Trọng Đồng ngôi mộ này có từ rất xưa, trước nạn đói năm 1945 đến 60 – 70 năm. |
Không chỉ có người buôn gánh bán bưng thường hay ghé vào mộ cụ cầu tài lộc mà còn cả những người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau cũng thường hay đến xin cụ may mắn.
“Vào ngày rằm, mồng một hàng tháng không chỉ có người dân trong làng đến thắp hương khấn vái mà cả người ở Hà Nội cũng về đây kêu cầu. Các cháu học sinh trước mỗi kỳ thi cũng đến thỉnh cụ, mong cho kỳ thi tốt đẹp”, cụ Đồng cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, sinh năm 1945, trú tại thôn Thanh Thần: “Từ khi tôi còn bé đã thấy bà con thường hay đến ngôi mộ này cầu tài lộc. Mỗi khi đến người dân thường mang theo nắm đất, đá đắp lên mộ. Lâu dần ngôi mộ được cao ráo như thế, cây cối từ đó cũng mọc lên phủ xanh cả ngôi mộ”.
Xung quanh câu chuyện ngôi mộ tự lớn và những lời đồn đại linh thiêng, ông Phạm Bá Vinh – Trưởng thôn Cao Mật Thượng cho biết: Đây là ngôi mộ của một người đàn ông quê gốc ở Thái Bình đến đây xin ăn rồi chết ở đây. Chuyện ngôi mộ tự cao lên là hoàn toàn không đúng. Hàng ngày, người dân đi qua thường hay đắp cho cụ một hòn đất nên ngôi mộ ngày càng cao và vững chắc.
Còn câu chuyện trách phạt những người sau khi làm ăn đỗ đạt mà không đến tạ lễ, ông Vinh cho biết: Theo tôi không có chuyện đó. Chuyện làm ăn buôn bán là tùy duyên từng người, không thể đổ tội cho may rủi và càng không nên đổ chuyện chẳng lành lên một ngôi mộ vô tri.
Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt tin vào linh hồn, người chết rồi thì linh hồn sẽ sống ở cõi âm, cũng sinh hoạt như ở dương thế. Do đó, có tục lệ đốt vàng mã, nhà cửa, xe cộ, đầy tớ, áo quần, tiền, đô la âm phủ v.v. để "viện trợ" cho người chết.
Một quan niệm cổ truyền nữa là "người chết cần được mồ yên mả đẹp" có lẽ đó cũng là lý do người dân mỗi khi đi qua ngôi mộ này thường hay đắp một hòn đất vào ngôi mộ với ước vọng tài lộc và cũng như mong người chết có ngôi nhà khang trang, chắc chắn.