Lý do ly hôn thiệt quá tế nhị!
Vụ thứ nhất, anh chồng ấp a ấp úng trình bày lý do ly hôn như sau: Do mâu thuẫn từ trước, vợ chồng đã ly thân và sống riêng hai năm nay. Nay anh tự thấy tình cảm không còn nên xin ly hôn và giao luôn con cho vợ nuôi dưỡng vì bé cũng sống quen với mẹ rồi. Hằng tháng anh sẽ cấp dưỡng cho con 3 triệu đồng.
Tòa hỏi chị vợ, chị khẳng định mình vẫn yêu thương chồng và nhất định không chịu ly hôn.
Tòa hỏi: “Hai người đã có đến năm năm tìm hiểu rồi tiến đến hôn nhân, hoàn toàn tự nguyện. Vợ chồng lẽ ra đang thời kỳ son sắc. Mâu thuẫn gì mà phải đến nỗi này?”.
Anh: “Chuyện tế nhị lắm, tôi không muốn nói ra, xin HĐXX đừng hỏi nữa… Thôi, tôi thừa nhận là đã có tình cảm với người khác, xin tòa cho ly hôn!”.
Bắt lấy câu nói này, chị vợ đòi tố cáo anh chồng vì… chưa ly hôn với chị mà đã có người khác, đấy là ngoại tình.
Đến nước này, anh chồng có lẽ nghĩ nếu không nói ra là yếm thế quá nên đành khai: “Thật sự tôi chẳng muốn nói ra đâu, thưa HĐXX. Tôi chẳng phải là người trăng hoa nhưng vì tôi không thể chịu nổi cái tật xấu của cô ấy. Về làm dâu chưa được bao lâu thì trong gia đình tôi thường xuyên… mất tiền. Tôi cũng không dám nghĩ xấu cho cô ấy. Đến một lần mẹ tôi bắt được quả tang cô đang lấy trộm 2 triệu đồng. Cô ấy xin mẹ tôi tha thứ. Nhưng chẳng bao lâu sau cô ấy lại lấy đôi bông tai của chị tôi. Rồi thêm vài lần bị bắt quả tang nữa…”.
Nghe chồng nói xong, chị vợ im lặng, cúi đầu.
Cuối cùng, tòa xử cho cả hai ly hôn.
Vụ thứ hai, anh và chị kết hôn năm 2012, năm sau chị sinh được một bé gái thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Cuối năm 2015, anh nộp đơn đến tòa yêu cầu ly hôn vì lý do không còn tình cảm với vợ nữa.
Chị vợ không đồng ý ly hôn. Theo chị, vì anh có vợ bé và bỏ nhà ra đi, nay đã có con riêng bên ngoài. Qua tìm hiểu pháp luật, chị biết anh vi phạm chế độ hôn nhân “một vợ một chồng”, sẽ bị pháp luật xử lý. Chị đề nghị tòa cho giám định ADN, nếu kết quả đúng như lời chị nói thì xử lý người chồng.
Anh chồng bức xúc: “Mới cưới nhau được sáu tháng, một buổi trưa cô ấy tưởng tôi đang ngủ nên gọi điện thoại tâm sự với một người bạn và chê tôi nghèo. Tôi nói đây là lần thứ nhất, tôi sẽ tha thứ, cho đến lần thứ ba, nếu tái phạm qua lần thứ tư tôi sẽ ra đi và không bao giờ quay lại. Tôi là người đàn ông dám nói dám làm. Tôi ra đi là đã cảnh báo trước chứ không phải âm thầm mà đi!”.
Anh kể lúc mới sinh con, vì cả hai vợ chồng phải đi làm nên quyết định gửi con về cho bà nội chăm sóc. “Mỗi lần nhớ con, tôi muốn về thăm. Vì xe máy của tôi quá cũ nên tôi mới hỏi mượn xe máy của vợ. Vợ không cho mà còn nói thẳng là không tin tưởng tôi!” - anh kể.
Chị khăng khăng không chịu ly hôn, mỗi lần được trình bày, chị đều đề nghị tòa phải xử lý hành vi ngoại tình của anh. Tòa giải thích phiên tòa hôm nay chỉ xét xử yêu cầu ly hôn, nếu chị muốn tố cáo chồng thì sau phiên tòa có thể thu thập chứng cứ rồi làm đơn gửi đến công an. Tuy nhiên, mỗi lần tòa giải thích xong, chị trừng mắt nhìn HĐXX rồi gằn giọng: “Đề nghị tòa xử lý hành vi ngoại tình”.
Tòa án lại giải thích nhưng vừa dứt lời thì chị lại “bổn cũ soạn loại”, đến mức đại diện VKSND phải lo lắng hỏi: “Tinh thần của chị có ổn không?”.
Vị hội thẩm lên tiếng: “Bây giờ đã là 18 giờ 30 phút, HĐXX đã hết sức thông cảm và kiên nhẫn với chị. Bản thân tôi chỉ hy vọng chị nói câu “tôi không chịu ly hôn, mọi lỗi lầm của anh tôi tha thứ. Vì con cái, chúng ta quay lại”. Nhưng quanh đi quẩn lại chị chỉ nói nghe đồn chồng ngoại tình và đòi tố cáo. Vậy chị níu kéo cuộc hôn nhân này để làm gì?”.
Vị hội thẩm vừa dứt lời, chị lặp lại điệp khúc: “Đề nghị tòa xử lý…”.
Chị cho rằng mình không nhận được các văn bản tống đạt của tòa, tòa án niêm yết các văn bản không đúng nơi chị cư trú nên chị yêu cầu hoãn phiên tòa. Cuối cùng, tòa đồng ý hoãn theo đề nghị của VKS.
Chị cười đắc chí, còn anh thì thở dài…
Theo Lệ Trinh/Pháp luật TP.HCM