Lương thưởng tại doanh nghiệp cuối năm nay sẽ ra sao?
Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận xét như vậy.
Doanh nghiệp FDI sẽ thưởng cao nhất
Trả lời câu hỏi của PV về đánh giá tình hình lương, thưởng của doanh nghiệp tới người người lao động dịp cuối năm 2018, ông Phạm Minh Huân cho rằng hình thức thưởng tháng thứ 13 được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.
“Đây là việc thường được doanh nghiệp lên kế hoạch sẵn và chi trả vào dịp cuối năm hoặc đầu năm dương lịch” - ông Phạm Minh Huân cho biết.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng thêm một hình thức mức thưởng theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của năm vừa qua.
Mức thưởng Tết 2018 cao nhất là 1,5 tỉ đồng |
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Loại hình thưởng thứ 2 chủ yếu dựa vào kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Mức thưởng sẽ hấp dẫn khi có kết quả sản xuất - kinh doanh tốt. Đặc biệt đối với các cá nhân có đóng góp lớn cho hoạt động của doanh nghiệp”.
Nhận xét của ông Phạm Minh Huân, ở nhiều doanh nghiệp, phần lớn của khoản thưởng Tết âm lịch thực chất là việc trả thưởng đợt 2 như trên.
“Tiền thưởng dựa theo hiệu quả sản xuất kinh doanh năm dương lịch. Nhưng doanh nghiệp cần một thời gian để tính toán, đánh giá hiệu quả từ đó mới có thưởng chính thức. Thông thường, việc trả thưởng này rơi vào gần dịp Tết âm lịch. Bởi vậy nhiều nơi cứ gọi là thưởng Tết âm lịch” - ông Phạm Minh Huân giải thích.
Nhận định về mức thưởng trong năm 2019, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, với tình hình kinh tế hiện nay, mức và tốc độ thưởng Tết 2019 của doanh nghiệp nói chung sẽ không có nhiều đột biến so với năm Tết 2018.
Dự kiến, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn sẽ dẫn đầu bảng danh sách số tiền thưởng cuối năm dành cho người lao động.
“Doanh nghiệp Nhà nước khó có mức cao vì quy định tài chính. Theo đó, tổng quỹ lương, quỹ khen thưởng và phúc lợi quy định chỉ tối đa 3 tháng tiền lương trong cả năm” - ông Phạm Minh Huân nói.
Tiền lương năm 2019: Dựa vào “nhiệt kế” xuất khẩu
Nhận định về mức tăng lương của năm 2018, ông Phạm Minh Huân cho rằng, tới thời điểm này, đa số doanh nghiệp đã thực hiện quy định tăng lương tối thiểu năm 2018 thêm tăng 6,5 % so với trung bình lương tối thiểu năm 2017.
Bên cạnh đó, với nhiều yếu tố khác quan, ông Phạm Minh Huân dự báo mức tăng lương tới cuối năm cũng không thể vượt qua 10 %.
Theo ông Phạm Minh Huân, tới thời điểm hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa nhiều tới Việt Nam.
“Nhưng cần lưu ý những động thái trong năm 2019. Theo đó cần đề phòng tác động trong việc thắt chặt hàng rào thuế quan tới Mỹ. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu của Việt Nam. Tất nhiên, tình hình cũng có thể khả quan nếu chúng ta có thể lách qua cửa hẹp” - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận xét.
Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu về dệt may, da giày đang sử dụng số đông lao động. Thị trường Mỹ cũng thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu.
Về quy định đóng BHXH trong năm 2018, ông Phạm Minh Huân đánh giá, doanh nghiệp vẫn còn khả năng “chịu nhiệt” với quy định tính BHXH, theo đó: Từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
“Sức chịu đựng của doanh nghiệp tới nay có thể duy trì được. Tuy nhiên, sang năm 2019, nếu bị tác động của việc hạn chế xuất khẩu, đơn hàng ít đi thì lúc đó một số doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ chịu tác động gián tiếp tới chính sách của lao động” - ông Phạm Minh Huân dự báo.
Mức thưởng Tết 2018 cao nhất là 1,5 tỷ đồng Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về mức lương và thưởng tết năm 2018 cho thấy: Thưởng Tết dương lịch: Mức cao nhất đạt 1,5 tỉ đồng. Mức thưởng bình quân là 1,1 triệu đồng/người, bằng 91,9% so với năm 2017. Thưởng Tết Nguyên Đán Mậu Tuất: Mức thường bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (5,5 triệu đồng/người), tăng 13,0% so với năm 2017 (4,8 triệu đồng/người). |
Nguồn: dantri.vn