Lương của Tổng kiểm toán Nhà nước đang quá thấp?
Trình bày dự thảo Nghị quyết quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn cho biết, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan Hiến định độc lập.
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã quy định vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước cao hơn, giao nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề hơn so với Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2006.
Theo ông Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Chức danh này còn chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đối với kết luận, kiến nghị của ngành về sai phạm của đơn vị được kiểm toán. Vì vậy, cần quy định bậc lương mới đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước để tương xứng với vị thế, trách nhiệm của chức danh này, đã được Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước quy định.
Trước đề xuất trên của ngành kiểm toán, trình bày báo cáo thẩm tra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, bảng lương của Tổng Kiểm toán hiện hành có 2 bậc: bậc 1, hệ số lương 9,70; bậc 2, hệ số lương 10,30.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bảng lương mới của Tổng Kiểm toán có 2 bậc: bậc 1, hệ số lương 9,80; bậc 2, hệ số lương 10,40.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về lương tổng kiểm toán. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, về nội dung trên, có tới 3 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, hiện nay chức danh Tổng Kiểm toán chưa được quy định trong bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước. Để bảo đảm sự tương quan giữa các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, nhất trí bố trí mức lương của chức danh này tương đương với mức lương của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị, cần tăng mức lương của Tổng kiểm toán lên cao hơn, tương đương mức lương của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao (bậc 1, hệ số lương 10,4; bậc 2, hệ số lương 11,00), vì cùng là người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập, do Quốc hội bầu.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị, giữ mức lương của Tổng kiểm toán như hiện hành để bảo đảm tương quan với các chức danh khác trong hệ thống chính trị, khi cải cách tiền lương sẽ xem xét và quyết định chung.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến trong đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và mức đề xuất trình Thường vụ QH xem xét đã thấp hơn đề xuất ban đầu của Tổng Kiểm toán vì thế nên điều chỉnh để nâng vị thế cho chức danh này.
Tuy nhiên, do đề xuất này của Kiểm toán Nhà nước mới có ý kiến của cấp vụ Bộ Nội vụ lại là ý kiến chưa đồng tình cao nên sau phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần chuẩn bị lại để xem xét sau và cần có ý kiến của các cơ quan hữu quan bên Chính phủ.
Cũng trong buổi sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 44. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, sau phiên họp, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thành những công việc cần thiết để sớm triển khai.
Chủ tịch QH yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, nhất là ủy viên Thường vụ Quốc hội nằm trong Hội đồng bầu cử quốc gia cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới; trước mắt là phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng bầu cử quốc gia và Hội nghị toàn quốc về công tác bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội tới đây, có rất nhiều việc phải làm, nhất là việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, do đó các cơ quan của Quốc hội phải có kế hoạch thực hiện thật sâu sắc. Trong đó, nội dung tổng kết phải khái quát được chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; đánh giá đầy đủ sự nỗ lực, cố gắng của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và cả Quốc hội.
Theo Chủ tịch QH, kế hoạch tổng kết phải rút ra được những điểm làm tốt và chưa tốt, để Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV tiếp tục triển khai thực hiện. Như vậy, mới bảo đảm kỳ họp thứ 11 và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới, mới thành công tốt đẹp.