Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Thủ tướng phải làm quá nhiều việc?
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch cho rằng:Thủ tướng là người lãnh đạo chứ không phải quản lý |
ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch nêu khi Quốc hội thảo luận về Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi chiều 21/11.
Đề cập đến quy định Thủ tướng Chỉnh phủ phải báo cáo trước nhân dân trong luật, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị quy định rõ đó là vấn đề gì chứ không nên “chép nguyên văn” nội dung này trong Hiến pháp. Liên quan đến số lượng cấp phó, đại biểu Lợi cũng đề nghị nên nghiên cứu tỷ lệ, hoặc số lượng thành viên nữ bao nhiêu để đảm bảo vấn đề bình đẳng giới.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, Luật lần này có nhiều điểm mới, góp phần làm rõ hơn vị trí, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ. Luật đã đề cao được trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách người đứng đầu. Qua đó xác định được vị trí của Chính phủ, khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành trong hệ thống hành chính.
Tuy nhiên ông Khánh cũng cho rằng cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập hành, tư pháp, đặc biệt chức năng quyền hạn của Thủ tướng và Chính phủ chưa rõ, nên phải thể hiện rõ hơn trong việc phân công quyền lực của Nhà nước ta, nhất là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm.
Ông cũng đề nghị cần phải có một cơ quan cụ thể thay mặt nhà nước đại diện quyền sở hữu toàn dân. Nếu chỉ quy định Chính phủ làm đại diện phần vốn Nhà nước là chưa đầy đủ. Về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, cũng cần quy định rõ ngay trong Luật.
Ghi nhận một số điểm mới được đưa ra, song đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, việc cải cách hành chính không rõ trách nhiệm. Ví dụ ra Quốc hội đại biểu chất vấn hàng giả cũng chưa rõ lỗi của Chính phủ hay địa phương? Do vậy ông đề nghị Luật phải làm rõ chế độ công vụ, nếu không sẽ không cải cách được hành chính, gây chồng chéo liên tục, cấp nọ chồng cấp kia. Làm rõ trách nhiệm công vụ cũng giúp kìm hãm việc “đẻ” ra nhiều ghế như hiện nay.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, Luật này chưa thấy có quy định nào nói về trách nhiệm của người đứng đầu. Theo bà, liên quan đến trách nhiệm cá nhân là việc cần phải làm rõ, luật cần quy định người đứng đầu cơ quan cấp trên phải chịu trách nhiệm, nếu không sẽ khó áp dụng chế tài xử lý trách nhiệm.
Liên quan đến cơ cầu tổ chức, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) băn khoăn trước ý kiến cho rằng Văn phòng Chính phủ là “cơ quan siêu Bộ”. Theo ông thực chất Văn phòng Chính phủ là Văn phòng Thủ tướng nên cần phải tinh gọn hơn. “Chính phủ ôm đồm quá nhiều việc và còn quá nhiều kẽ hở để lách luật” - ông nói.
Về quyền của Thủ tướng, quy định như dự thảo theo ông Thạch là quá nhiều việc. “Làm nhiều việc thì Thủ tướng không làm được Thủ tướng. Thủ tướng là người lãnh đạo chứ không phải quản lý. Nếu giao nhiều việc cho Thủ tướng như vậy thì đất nước không làm việc lớn được” – ông Thạch nói.
Liên quan đến bộ máy hành chính cồng kềnh, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị phải quy định rõ số lượng cấp phó, từ Phó Thủ tướng đến các bộ ngành.
Về chức năng nhiệm vụ của Thủ tướng, sau khi đọc dự thảo, đại biểu Khánh “thấy miên man” vì quy định quá chi tiết các nhiệm vụ, rồi chưa kể chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng nằm rải rác trong các luật khác. Điều đó dẫn đến thực trạng cái gì cũng đẩy lên Thủ tướng, và Luật sửa đổi cần phải khắc phục được điều này.