Luật tiếp cận thông tin: Luật hóa quyền cơ bản của người dân
Đó là chia sẻ của TS Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), thành viên soạn thảo Luật tiếp cận thông tin tại Hội nghị phổ biến luật này, được Bộ TT&TT tổ chức sáng 18/4.
Theo bà Mai, trong bối cảnh người dân ngày càng có nhu cầu tiếp cận các thông tin (quy hoạch xây dựng; quy hoạch đất đai, văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính…) thì có cơ quan nhà nước lại muốn thu hẹp diện công bố thông tin. Chính vì vậy, Luật tiếp cận thông tin ra đời (được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016 và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018) nhằm luật hóa quyền cơ bản của con người, cơ quan công quyền thực hiện có trách nhiệm cung cấp thông tin tới người dân theo luật.
Theo bà Mai, bất cứ luật nào được xây dựng cũng phải dựa trên nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. |
Có thể thấy, để Luật tiếp cận thông tin ra đời được, các thành viên ban soạn thảo đã phải trải qua nhiều năm nghiên cứu, kéo dài qua 2 nhiệm kỳ Chính phủ và Quốc hội; 2 lần xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bà Mai cho biết, Luật tiếp cận thông tin dựa trên nền tảng của 2 bản Hiến pháp (Điều 69, Hiến pháp năm 1992 và Điều 25, Hiến pháp năm 2013) quy định về những quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và quyền biểu tình.
Theo bà Mai, người dân chỉ có thể thực hiện được quyền tham gia nhà nước (bầu cử và ứng cử), giám sát và phản biện xã hội, biểu quyết và trưng cầu ý dân… khi họ thực sự có thông tin và được tiếp cận thông tin liên quan. Chính vì vậy, Luật tiếp cận thông tin ra đời trước sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân và có tiếng nói cần thiết trước các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.
Phân tích vai trò của Luật tiếp cận thông tin, bà Mai cho biết: Bất cứ luật nào được xây dựng cũng phải dựa trên nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Mặc dù luật ra đời nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nhưng tất cả đều phải dựa trên nhu cầu thực tiễn của con người và xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày một tăng, trong khi một số cơ quan nhà nước có xu hướng co lại (với lí do bảo mật, bí mật nhà nước). Do đó, việc luật hóa trình tự, thủ tục và cách thức tiếp cận thông tin để người dân được bảo vệ quyền lợi chính đáng, cơ quan công quyền cũng không né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin. Và điều cuối cùng, Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng, tham gia các Công ước quốc tế, nhất là các công ước về quyền con người thì Luật tiếp cận thông tin ra đời chính là nằm trong xu thế hội nhập và thực thi các cam kết quốc tế ấy.