Luật sư của ông Đinh La Thăng đang bào chữa tại đại án OceanBank
Chiều 14/12, Luật sư Phan Trung Hoài đã xác nhận với báo chí về việc ông được gia đình cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng mời làm luật sư bào chữa. Luật sư Hoài cho biết Cơ quan Điều tra đã rất tạo điều kiện, chỉ trong một ngày đã cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Như vậy, cựu Chủ tịch PVN đã chính thức là thân chủ của Luật sư Phan Trung Hoài.
Ông Phan Trung Hoài sinh năm 1960 tại Hà Nội, hiện là Trưởng một Văn phòng Luật sư có địa chỉ tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hoài có trình độ tiến sỹ luật quốc tế, sinh hoạt tại Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi hành nghề luật sư chuyên nghiệp năm 1995, ông Hoài là Trưởng Ban chính trị Xã hội, Báo Pháp luật TP HCM, Thanh tra XNK Tổng cty XNK tổng hợp và đầu tư Imexco.
Luật sư Phan Trung Hoài được biết đến với vai trò luật sư tại các vụ án kinh tế lớn, gần đây nhất là vụ “đại án” OceanBank. Trong đó, Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng (VNCB).
Việc làm rõ khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung (công ty của ông Phạm Công Danh) tại OceanBank là một trong những nội dung của phiên tòa xét xử “đại án” OceanBank. Khoản vay này được Trung Dung vay nhằm hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB). Ngoài phần tài sản đảm bảo là giá trị vốn góp 250 tỷ đồng tại Công ty Trung Dung, ông Phạm Công Danh được bà Hứa Thị Phấn (cổ đông nắm quyền chi phối NH Đại Tín) đồng ý cho mượn tài sản đảm bảo để thực hiện khoản vay này gồm 6 bất động sản, cổ phiếu tại Tập đoàn SSG.
Tuy nhiên NH Đại Tín đã phá vỡ cam kết 3 bên dẫn đến việc khoản vay này không được sử dụng đúng mục đích, dẫn đến việc OceanBank không thu được tiền gốc và lãi của khoản vay này.
Luật sư Phan Trung Hoài (bên trái) tại TAND Hà Nội trong vụ xét xử "đại án" OceanBank. |
Tại phiên tòa, Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX truy nguyên đường đi của dòng tiền, xác định ai là người sử dụng cuối cùng nhằm tất toán hợp đồng tín dụng 500 tỷ đồng, đồng thời bà Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm trực tiếp đối với khoản tiền 500 tỷ đồng gốc và khoản lãi phát sinh theo yêu cầu của Viện KSND thành phố Hà Nội.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng yêu cầu tiếp tục kê biên tài sản của Hứa Thị Phấn đối với 6 bất động sản, đồng thời tiếp tục xử lý giải quyết các hậu quả phát sinh về việc Phạm Công Danh đã bàn giao cho bà Phấn 3.546 tỷ đồng, là số tiền ông Danh mua cổ phần NH Đại Tín.
Tại phiên tòa, VKS đề nghị tiếp tục kê biên số bất động sản và hơn 5 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG của nhóm bà Phấn. Được biết, bà Hứa Thị Phấn đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.