Luật Hỗ trợ DNNVV: Nhà nước sẽ hỗ trợ thông tin, chiến lược
Tọa đàm Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Đây là chia sẻ của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tọa đàm "Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?" được tổ chức sáng nay (6/6) tại Hà Nội.
Sẽ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV dù còn vướng mắc
Dù còn nhiều băn khoăn, vướng mắc trong thảo luận tại hội trường Quốc hội về những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong Dự thảo Luật, tuy vậy, ông Nam cho rằng nếu được thông qua Luật sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nam, cả 6 phương diện mặt bằng , tín dụng, công nghệ, thị trường, nhân lực, khả năng tuân thủ các quy định trong Luật đều là những hỗ trợ cần thiết đối với DNNVV.
Trong đó, tín dụng được xem là vấn đề vướng mắc lớn cần giải quyết giúp các DNNVV phát triển. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông cho biết, Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ tín dụng cho các đơn vị này. Theo Thứ trưởng, chỉ hỗ trợ chứ không ép buộc ngân hàng, điều này giải thích cho lo ngại về việc quy định hỗ trợ tín dụng tại Luật này sẽ xung đột với Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành trước đó.
Luật mới chỉ đưa ra được phương án khuyến khích thúc đẩy. Vì vậy, ông Tô Hoài Nam bày tỏ mong muốn các ngân hàng tích cực hỗ trợ vốn cho các DNNVV. Bởi theo ông Nam, bản thân là doanh nghiệp nhưng chính các ngân hàng cũng đang nhận được ưu đãi về chính sách.
Tương tự, với ba trọng tâm được đưa ra trong dự thảo Luật tưởng chừng rời rạc, ông Nam cho biết, lại nhận được sự đồng tình của Hiệp hội Doanh nghiệp nhờ và vừa. Đó là hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết.
"Tưởng chừng ba hỗ trợ khác nhau, nhưng thực tế, một cái tạo nên lực lượng doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo là hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa vào khai thác tài nguyên giá rẻ sang hiệu suất cao hơn, áp dụng nghiên cứu khoa học đưa vào thực tế, khi đó sẽ giúp công nghiệp phụ trợ nổi lên ngay. Và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sẽ giúp doanh nghiệp ổn định hơn, tránh các rủi ro có thể gặp phải", vị Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận nhiều quan điểm của đơn vị soạn thảo trong dự thảo Luật bị phản đối. Ví dụ như nội dung quy định vai trò cụ thể của Hiệp hội DNNVV do đơn vị soạn thảo đưa ra trước đây sẽ không có trong Dự thảo Luật đưa lên biểu quyết thông qua tới đây tại Quốc hội.
Tuy vậy, ông Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng nếu được thông qua, dự thảo Luật sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp. "Từ đây, cộng đồng DNNVV có được một văn bản pháp lý quan trọng để dựa vào đó, ai làm khó mình thì có cơ sở là các điều khoản để kiến nghị. Trước hết, doanh nghiệp đã có quyền", ông Nam chia sẻ.
Cần sớm triển khai đúng cách
Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam cho rằng để hỗ trợ tốt nhất cho DNNVV, nếu được thông qua, Luật này cần sớm được triển khai, đặc biệt tại các địa phương. Lo ngại này của ông Nam xuất phát từ thực tế Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2001.
Đến nay, sau 16 năm, cả nước vẫn còn khoảng 20 địa phương chưa hề thực hiện triển khai biện pháp hỗ trợ nào. Ông bày tỏ quan điểm đừng để Luật Hỗ trợ DNNVV cũng triển khai chậm như chính sách có từ năm 2001.
Còn Thứ trưởng Đặng Huy Đông kỳ vọng các hỗ trợ được hiểu và thực hiện đúng cách. Ông khẳng định, Luật sẽ không mang đến những hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp cụ thể như lo ngại về việc vi phạm cam kết quốc tế hay quá đi vào tiểu tiết. Luật hướng việc hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin, phân tích thị trường, chiến lược...
Vị Thứ trưởng đưa ra ví dụ: "Như vải thiều Lục Ngạn có cả ngàn người dân trồng, nhưng họ không xác định được thị trường muốn gì, vì thế Nhà nước sẽ tạo điều kiện củng cố chuỗi giá trị bao quanh quả vải".
Thứ trưởng Đông chỉ ra ứng dụng Luật trong thực tế, trước tình trạng dư thừa như trường hợp lợn vừa qua, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách cung cấp thông tin, từ đó sẽ được tiếp cận nguồn lực Nhà nước thay vì hỗ trợ tiền tới từng đối tượng cụ thể.
Theo Thứ trưởng, việc thông qua và đưa vào thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV cũng góp thêm động lực để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.