Luật cơ quan đại diện VN tại nước ngoài: Lo có quá nhiều “trường hợp đặc biệt”
Tại Báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày chiều 26/10 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, một số vấn đề nổi cộm là về tuổi bổ nhiệm Đại sứ; chế độ dành cho vợ, chồng, con cái của Đại sứ,…
Về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị dự thảo Luật quy định hỗ trợ một phần học phí tại nước sở tại và một phần chi phí mua bảo hiểm y tế cho con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện và giao Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp với từng thời kỳ.
Phát biểu thảo luận ở tổ chiều 26/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính, cho rằng cần thiết có quy định về hỗ trợ nêu trên:
“Qua thực tiễn, nếu chỉ quy định trợ cấp đi lại và phụ cấp thôi thì sẽ phát sinh việc con cái học hành rất tốn kém, cán bộ ngoại giao có thể không đủ sức lo liệu, mà để các cháu ở nhà có khi lại dễ hư hỏng vì xa bố mẹ. Cho nên những hỗ trợ cho các cháu là rất cần thiết”.
Theo quan điểm của ông, nếu mọi thứ quy về lương thì sẽ “chuẩn” hơn so với phụ cấp, trong khi dự thảo luật lần này vẫn để chế độ phụ cấp.
Bàn về quy định trợ cấp đi lại và phụ cấp cho vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện ngoại giao.Ảnh minh hoạ |
“Nếu cấp theo lương thì tôi chỉ thuê căn nhà 15m2 để ở, nhưng nếu cho phụ cấp thì nhà nước phải bao cấp cho tôi nhà, thôi chả mất gì của mình thì tôi thuê căn 30m2. Trong dự thảo này vẫn để chế độ phụ cấp, ngoại giao là ngành đặc thù, tiến tới phải đi theo hướng quy về lương sẽ vừa tiết kiệm được cho nhà nước, vừa tiết kiệm được cho cá nhân,” Đại biểu Phạm Minh Chính phân tích.
Về tuổi bổ nhiệm Đại sứ, dự thảo Luật quy định Đại sứ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí với ý kiến cho rằng nên cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác (36 tháng) nhưng có kinh nghiệm hoạt động đối ngoại lâu năm, có uy tín trong ngành ngoại giao, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ tại một số địa bàn chiến lược và trong lúc chưa có người thích hợp để tiến cử làm Đại sứ.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng cần khắc phục việc Đại sứ đương nhiệm kéo dài thời gian công tác khi đã kết thúc nhiệm kỳ vì lý do Đại sứ mới chưa làm xong thủ tục nội bộ hoặc chưa có chấp thuận của nước sở tại đối với Đại sứ nhiệm kỳ mới. Theo đó Đại sứ đã hết nhiệm kỳ phải về nước và bàn giao công việc cho Người thứ hai. Ủy ban Đối ngoại đề nghị trong trường hợp cần thiết phải gia hạn nhiệm kỳ đối với Đại sứ do yêu cầu công tác đối ngoại thì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, cho rằng từ trung ương đến cơ sở phải có sự thống nhất và phải giải quyết được bài toán tổng thể, liên thông.
“Cần phải cân nhắc kỹ, đúng là chúng ta rất cần những vị Đại sứ có kinh nghiệm, nhưng trong luật thì cứ quy định theo đúng tổng thể liên thông. Nếu trong cùng một hệ thống mà không giải quyết tốt bài toán tổng thể và liên thông trong hệ thống chính trị của chúng ta về các chức danh với nhau, khi cắt khúc ra thấy nó hợp lý ở chỗ này nhưng lại không hợp lý với tổng thể”.
Về việc xem xét có kéo dài nhiệm kỳ hay không, người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương cho rằng nên giao Chính phủ quy định cụ thể. Có thể trong trường hợp đặc biệt nào đó cũng có thể xem xét kéo dài. Nhưng đã là “đặc biệt” thì không nhiều và nên được quy định tại các văn bản dưới luật.
Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Phạm Minh Chính, Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cho rằng cần làm rõ thế nào là “đặc biệt” để tránh sự tràn lan, mất cân bằng.