“Lọt lưới” thông tư và trách nhiệm “người gác cổng”
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) – nữ đại biểu luôn được biết đến với những chất vấn, kiến nghị sắc sảo nơi nghị trường. Tại kỳ họp thứ 5 này, bà lại thu hút sự chú ý khi đề cập đến chất lượng xây dựng các nghị định và thông tư.
Theo bà Nga thì những quy định “xa rời thực tế”, thậm chí còn trái luật không những làm mất lòng tin của dân, mà còn mất uy tín nhà nước, giảm hiệu quả quản lý. Nữ đại biểu cũng mạnh dạn chỉ ra tám nguyên nhân khi để xảy ra “lọt lưới”.
ĐBQH Lê Thị Nga luôn được biết đến với những bài phát biểu, chất vấn sắc sảo. Ảnh LD |
Đầu tiên bà kể đến quy định không được chấp hành nghiêm, công tác thẩm định chưa tốt của Bộ Tư pháp và các bộ ngành theo thẩm quyền. Bà Nga ví họ là những người “gác cổng” nhưng đáng tiếc lại để “lọt lưới” nhiều văn bản không đảm bảo.
Ngay cả thứ tự ưu tiên cũng chưa hợp lý khiến người dân có cảm giác “thiên về xử phạt” hơn, trong khi lẽ thông thường thì đây chỉ là biện pháp cuối cùng. Có nghị định chỉ vừa mới ký, thậm chí còn chưa quy định người dân phải làm gì thì đã đưa ra…mức phạt tiền. Cách làn này được nữ đại biểu cho là “đi ngược hoàn toàn với nguyên lý chung”.
Vậy tính công bằng và nghiêm minh? Bà Nga khẳng định “chưa đảm bảo”. Và lấy ví dụ về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Suốt 6 năm buông lỏng quản lý chất lượng, mãi đến khi UBATGT Quốc gia vào cuộc mới phát hiện 70% số mũ đang lưu hành không đảm bảo chất lượng. Lỗi chủ yếu cũng chỉ vì quá coi trọng xử phạt! Lỗi này lẽ ra thuộc cơ quan quản lý thị trường thì lại đổ lên đầu người tiêu dùng.
Một giải pháp vừa thiếu nghiêm khắc, thiếu công bằng vừa thiếu khả thi. Trớ trêu hơn khi một lãnh đạo Cục QLTT còn “hăng hái xung phong ra đứng đường” kiểm tra, xử phạt cùng cảnh sát giao thông (?!).
Ai hưởng lợi? Ai chịu trách nhiệm? Ai? Hàng loạt câu hỏi được đại biểu đặt ra và yêu cầu các bộ liên quan “cần làm rõ”.
Một lý do khác được đại biểu Nga vạch ra là tiến độ ban hành quá chậm với tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Ví dụ điển hình ngay tức thì được nhắc đến là việc sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên qua gần nửa nhiệm kỳ Quốc hội, nghị định này vẫn chưa được sửa đổi.
“Có vẻ như một quy luật cứ trước mỗi kỳ họp Quốc hội giá xăng dầu lại nằm im hoặc được giảm đôi chút làm yên lòng đại biểu và cử tri. Để rồi sau đó lại tiếp tục tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch của nó” – bà Nga nêu, nghị trường ngay lập tức xì xào.
Đáng bàn hơn ngay cả giữa các bộ cũng thường xảy ra những quan điểm trái chiều. Tranh luận gay gắt vừa thể hiện tính “dân chủ” nhưng nó cũng cho thấy điểm hạn chế do sự quá khác biệt giữa các cơ quan của Chính phủ. Có trường hợp phản ứng chậm, hoặc không đủ thẩm quyền phải đẩy lên đến Thủ tướng quyết định, như việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân chẳng hạn.
Bên cạnh đó việc thẩm định thông tư và thông tư liên tịch còn có hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không loại trừ lợi ích cục bộ, tạo thuận lợi cho quản lý của mình, đẩy khó khăn cho người dân hoặc cho bộ khác.
Bà Nga cũng thẳng thắn chỉ ra bộ phận tham mưu có dấu hiệu quan liêu, năng lực hạn chế, trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm bồi thường do sai phạm không nghiêm. Đến mức hàng chục năm nay chưa thấy một cán bộ lãnh đạo nào, công chức nào bị giáng chức, buộc thôi việc hay bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định ban hành văn bản sai trái.
Cuối cùng nữ đại biểu còn cho rằng công tác giám sát của Quốc hội cũng "chưa đáp ứng yêu cầu".
Giải pháp để các nghị định thông tư thực sự đi vào cuộc sống, theo ĐB Lê Thị Nga trước tiên phải loại bỏ và khắc phục những nguyên nhân kể trên. Đồng thời Quốc hội cần tiến hành cuộc “giám sát tối cao”, và Chính phủ cần xây dựng cơ chế thẩm định thông tư khách quan hơn.