Lợn hơi tăng giá, đại gia ngành chăn nuôi vẫn lận đận
Giá thịt lợn hơi phục hồi nhờ việc thương lái Trung Quốc nhập khẩu trở lại lợn hơi từ Việt Nam trong khoảng 2 tuần qua. Ở nhiều địa phương, giá thịt lợn hơi tăng theo ngày, thậm chí tăng theo giờ. Tuần trước, giá thịt lợn hơi ở Hà Nội tăng 12,5% lên 28.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong 1 tuần qua giá thịt lợn hơi nay đã tăng lên 38.000 -40.000 đồng/kg, người chăn nuôi bắt đầu có lãi..
Lợn hơi tăng giá là cơ sở để nhiều DN và hộ chăn nuôi mở rộng và tăng số lượng đàn. |
Giá thịt lợn hơi đang trên đà tăng là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp như Masan (MSN), Hòa Phát (HPG) và GTNfoods (GTN), đây là những doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn. Trong khi MSN và HPG trực tiếp sản xuất thức ăn chăn nuôi, GTN gián tiếp sản xuất thông qua việc sở hữu 65% cổ phần tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).Vilico không chỉ sở hữu các trại chăn nuôi mà còn có Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi tại Hoài Đức (Hà Nội).
Cả 3 doanh nghiệp trên đều bị thiệt hại khi số lượng đàn lợn sụt giảm, mức độ thiệt hại cụ thể sẽ được thể hiện trong báo cáo kết quả tài chính quý 2 được công bố trong nay mai. Trong số 3 công ty trên, mức độ ảnh hưởng lên MSN là lớn hơn nhiều do mảng protein động vật đóng góp quan trọng vào doanh thu của công ty (khoảng 56% doanh thu) so với HPG (4,23%) và GTN (chỉ 4%).
Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan từ thị trường không giúp cho giá cổ phiếu của 3 doanh nghiệp này khởi sắc, thậm chí giá còn giảm giá trong khoảng 10 ngày vừa qua. Cụ thể, cổ phiếu MSN giảm 1,8%, GTN giảm 0,3%; và HPG giảm 2,9%. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ HPG có sự vượt trội với mức tăng giá 19% so với đầu năm, trong khi MSN giảm 1,7% và GTN tăng nhẹ 2%.
Thức ăn chăn nuôi hay chăn nuôi là mảng kinh doanh mới đối với cả MSN và HPG, cả hai DN này đều có kế hoạch phát triển toàn diện mảng thức ăn chăn nuôi và protein động vật trong tương lai. Do đó, diễn biến của giá thịt lợn là yếu tố quan trọng trong triển vọng dài hạn của mảng kinh doanh này.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính đối với lợn hơi của Việt Nam. Do chỉ xuất theo đường tiểu ngạch nên không có những thỏa thuận chính thức, rủi ro là thương lái Trung Quốc có thể đột ngột dừng mua bất cứ lúc nào. Do đó, với sự gia nhập ngành của nhiều doanh nghiệp lớn với nỗ lực cải thiện chất lượng, nhiều sản phẩm thịt lợn giá trị gia tăng lớn sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, hướng đến thay thế xuất khẩu lợn hơi như hiện tại.