Lợi nhuận ngân hàng phản ánh đúng kỳ vọng của nhà đầu tư
Vietcombank là ngân hàng mới nhất công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2016, đạt 53,2% kế hoạch năm. Đạt mức lợi nhuận “khủng” như vậy, nhưng giá cổ phiếu của Vietcombank cũng chỉ tăng 11% kể từ đầu năm.
Ngoài Vietcombank, các ngân hàng có quy mô nhỏ cũng đã báo lãi, trong đó SHB công bố lãi 800 tỷ đồng, đặc biệt, Ngân hàng Phương Đông (OCB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 494 tỉ đồng cao hơn 2% so với mức lợi nhuận của cả năm 2016, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Tại buổi họp báo công bố sản phẩm mới, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, dự kiến kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 500 tỷ đồng. Một ngân hàng đang ngổn ngang trong quá trình cơ cấu lại là Sacombank cũng đã công bố số lãi 428 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này phản ánh đúng kỳ vọng của nhà đầu tư khi cổ phiếu của Sacombank đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm đến nay.
Nhìn vào con số được các ngân hàng công bố, có thể thấy tín dụng tăng mạnh, trong khi huy động tăng kém hơn. Động lực chính giúp tín dụng tăng trưởng là cho vay khách hàng cá nhân, bao gồm cả cho vay mua nhà. Theo ước tính, cho vay khách cá nhân và cho vay mua nhà lần lượt chiếm 52% và 25% của tổng tín dụng mới trong năm nay.
MBBank là ngân hàng tích cực trích lập dự phòng với chi phí dự phòng là 1.700 tỷ đồng (tăng 192%) nhưng LNTT vẫn đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và hoàn thành 53% kế hoạch cả năm. Giá cổ phiếu của MBBank đã tăng mạnh 50% kể từ đầu năm đến nay.
Dựa trên mô hình dự báo và kết quả kinh doanh quý 1, mới đây Công ty Chứng khoán HSC cũng đã đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh 6 tháng đối với các ngân hàng. Theo đó, ước tính LNTT của Vietinbank đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, hoàn thành 54% kế hoạch cả năm.
Với BIDV, lợi nhuận trước trích lập dự phòng ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 34,25% so với cùng kỳ; chi phí dự phòng là 6.300 tỷ đồng; LNTT đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 26,23% so với cùng kỳ và hoàn thành 54,5% kế hoạch cả năm. Giá cổ phiếu của BIDV cũng đã tăng trên 40% kể từ đầu năm.
Trong số các ngân hàng thương mại, ngoài MBBank, ACB cũng được đánh giá là ngân hàng có mức tăng trưởng nhanh về lợi nhuận, cho dù ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng. HSC ước tính LNTT của ACB đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB là một trong những mã tăng giá mạnh nhất từ đầu năm với mức tăng trên 50%.
Với các ngân hàng kém khả quan, Eximbank cũng ước đạt LNTT 400 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch năm là 600 tỷ đồng. Giá cổ phiếu của Eximbank cũng đã tăng 43% kết từ đầu năm.
Phần lớn các ngân hàng đã trích lập được tương đối nhiều cho nợ xấu, do vậy tốc độ tăng chi phí dự phòng kể từ năm nay sẽ giảm tốc. Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ thứ cấp sẽ sớm được thiết lập, dẫn đến khả năng mang lại một số khoản lợi nhuận bất thường từ bán nợ xấu kể từ năm sau.