Lợi nhuận không đuổi kịp lạm phát
Lợi nhuận không đuổi kịp lạm phát
Không còn sức
Từ trước đến nay, chính sách kinh tế vẫn ưu tiên xuất khẩu, vì xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước, chuyển dịch cán cân thương mại…, nhưng giữa thời điểm lạm phát như hiện nay, DN xuất khẩu cũng không khỏi cảnh tê tái, khi con số lợi nhuận theo kế hoạch cứ tỷ lệ nghịch với số nợ gia tăng.
Gỗ xuất khẩu là một trong những ngành hàng gánh khó khăn nhất đến thời điểm này, khi lợi nhuận không đủ bù lạm phát |
Gỗ Trường Thành là một DN hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Có thể khẳng định đây là một DN lớn với bề dày kinh nghiệm trên 20 năm và cũng đã “có kinh nghiệm vượt bão lạm phát”. Nhưng năm 2011 với DN này là năm khó khăn chồng khó khăn. Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm chỉ đạt được 20% theo kế hoạch cả năm. "Trong 5 tháng, riêng chi phí cho lãi vay đã ngốn mất của chúng tôi đến 95 tỷ đồng, trong khi giá bán không thể tăng kịp lạm phát”. Theo lãnh đạo công ty này, nếu những tháng cuối năm 2011, tình hình tiếp tục như hiện tại thì cố gắng lắm cũng chỉ đạt 70% kế hoạch. Như vậy, nếu trừ đi lạm phát, lợi nhuận chỉ là con số không.
Công ty thực phẩm chế biến thủy hải sản Việt Úc cũng ngao ngán, thị trường xuất khẩu bị co hẹp, vì không dám nhận đơn hàng. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm cũng giới hạn trong khoảng 15% và hiện đang nợ nần chồng chất. Về thực tế này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, khẳng định: “Tất cả các DN từ nhỏ đến lớn đều khó khăn, nhỏ khó khăn nhỏ, lớn khó khăn lớn. Các DN mệt mỏi đến mức “la” không nổi nữa”.
Nguy cơ mất thị trường quốc tế
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng dưới 20%, trong khi cùng kỳ năm 2010 tăng so với 2009 trên 30%. Như vậy có nghĩa tốc độ tăng trưởng đã không còn như trước. Nhiều DN xuất khẩu gỗ cho biết, với tình hình này sẽ không thể gượng dậy để cạnh tranh và lấy lại thị phần trên thị trường quốc tế.
“Ngay cả với các DN đã đại chúng huy động vốn cũng rất khó khăn, nên phần lớn DN xuất khẩu đều lâm vào cảnh bế tắc khi đa số khách hàng chuyển sang thanh toán trả chậm, mà đơn vị cung cấp không cho nợ kéo dài. Mặt khác, mặt bằng lãi suất từ 20 - 22% và chi phí chứng từ cho từng lô hàng xuất nhập khẩu rất cao, trước đây khoảng 30 - 45 USD/bộ chứng từ thì nay lên 90 - 137 USD/bộ chứng từ, nên nhiều DN xuất khẩu không dám tiếp nhận đơn hàng”, lãnh đạo công ty Gỗ Trường Thành cho biết.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, giá cả nguyên vật liệu leo thang, thay đổi liên tục với mức trượt từ 15 - 45% và những nguyên nhân từ dòng vốn đã khiến các DN Việt Nam, nhất là DN xuất khẩu không dám xây dựng một chiến lược bán hàng dài hạn.
Khó về vốn, các DN còn mất lợi thế cạnh tranh khi DN 100% vốn nước ngoài vay ngân hàng nước ngoài với lãi suất rất ưu đãi, thường dưới 5%, trong khi các DN trong nước vay vốn tại các ngân hàng trong nước thì lãi suất USD từ 6 - 9%/năm và lãi suất VND là 20 - 22%/năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu không thể sống được với lãi suất này, trừ khi là xuất khẩu tài nguyên dầu thô, hay các loại quặng titan, quặng sắt, đất hiếm, bô-xít. “Nếu kéo dài tình hình này, việc sản xuất sẽ kiệt quệ, thị trường quốc tế hàng hóa của Việt Nam sẽ bị mất dần, lực lượng DN Việt Nam ngày càng suy yếu, sụp đổ và rất lâu mới có thể phục hồi, tạo nên một khoảng cách với lực lượng các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan…”, một doanh nhân lo lắng.
Theo datviet