Lời cuối trước toà, Phan Sào Nam nói thật về 3,5 triệu USD gửi ở Singapore
Phan Sào Nam nói lời cuối
Được nói lời sau cùng, Phan Sào Nam thừa nhận hơn một năm kể từ khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã hoàn toàn nhận thức được những sai lầm đã gây ra và còn nhận ra được nhiều điều hơn.
“Bị cáo xin được coi biến cố này là sự may mắn trong cuộc đời”, Phan Sào Nam nói và giãi bày, nhờ vụ án được đưa ra xét xử, những hành vi phạm pháp của Nam mới được dừng lại. Hậu quả của vụ án cũng vì thế được hạn chế.
Nam gửi lời xin lỗi bạn bè, người thân, đồng nghiệp và toàn thể xã hội, đặc biệt các gia đình có người phải hứng chịu hậu quả do vụ án gây ra. Trước khi rời bục khai báo, Phan Sào Nam mong muốn HĐXX xem xét quan điểm bào chữa của các luật sư để đưa ra bản án hợp tình hợp lý.
Liên quan số tiền gửi ngân hàng nước ngoài, Nam cho hay: "Số tiền 3,5 triệu USD là trước đó bị cáo cho một người bạn vay bằng tiền Việt Nam, sau đó, người bạn này trả lại bằng USD qua tài khoản ngân hàng ở Singapore chứ không phải bị cáo chuyển tiền qua biên giới. Số tiền này bị cáo cũng chủ động khai báo với cơ quan điều tra chứ không phải che giấu".
Bỏ việc nhà nước, giàu gấp đôi bầu Đức
Vĩnh Hoàn là tập đoàn thủy sản lớn do bà Trương Thị Lệ Khanh làm Chủ tịch HĐQT và nhiều năm kiêm chức vụ Tổng giám đốc (trước khi trao cơ hội cho một người trẻ hơn). Sau khi ra trường, bà Khanh từng được Nhà nước phân công làm tại một công ty xuất khẩu của huyện, nhưng sau đó bà đã quyết định nghỉ việc và ra ngoài làm riêng.
Với vốn ban đầu 70 triệu đồng và hơn 70 công nhân, đến nay, bà Trương Thị Lê Khanh đã xây dựng Vĩnh Hoàn trở thành một trong những tập đoàn thủy sản hàng đầu với tổng tài sản đạt gần 6.000 tỷ đồng, doanh thu, lợi nhuận hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Là một doanh nhân có tầm nhìn rộng và tư duy mở, bà Trương Thị Lệ Khanh từng chia sẻ với báo giới rằng, bà đặt tên Vĩnh Hoàn với ý nghĩa “Vĩnh là vĩnh viễn, hoàn là hoàn cầu”, bà mong Vĩnh Hoàn “mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”.
Cựu Thứ trưởng không còn cổ đông lớn ở Điện Quang
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chính thức không còn là cổ đông lớn với thương vụ giao dịch lớn cổ phần Điện Quang ở vào thời điểm doanh nghiệp không còn đỉnh cao. Trong đó, nhóm cổ đông có liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nắm giữ hơn 34% cổ phần, nhận tổng cộng gần 18 tỷ đồng.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa |
Theo báo cáo, nhà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện vẫn nắm giữ 29,3% cổ phần tại CTCK Bóng đèn Điện Quang DQC. Em trai bà Thoa - ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Điện Quang - hiện nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC.
Hai con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa hiện vẫn giữ các vị trí quan trọng tại Bóng đèn Điện Quang và nắm một số lượng cổ phiếu lớn tại doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước này. Bà Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên HĐQT kiêm phó TGĐ và nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phần DQC. Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phần DQC.
Đại gia ngầm tung 7,4 ngàn tỷ
Bỏ ra 7,4 ngàn tỷ đồng để sở hữu gần 58% cổ phần của Vinaconex, An Quý Hưng là một doanh nghiệp xây dựng có lịch sử hoạt động gần 20 năm, ở khu vực ngoại thành Hà Nội do ông Nguyễn Xuân Đông (70% vốn) và vợ là bà Đỗ Thị Thanh sở hữu 100% vốn.
Ông Nguyễn Xuân Đông là một doanh nhân kín tiếng cho dù cũng đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp nổi tiếng hơn như: Vimeco - VMC (từng sở hữu 30% vốn), trong HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX),...
Ông Nguyễn Xuân Đông sinh năm 1966 còn sở hữu công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản. Với cú mua Vinaconex, An Quý Hưng của nhà ông Đông có quyền chi phối, tuy nhiên đại gia này có thể cần mua thêm khoảng hơn 7% nữa để đạt ngưỡng trên 65%, nắm trọn quyền phủ quyết doanh nghiệp.
Đại gia Chu Thị Bình sẽ nhận hơn 264 tỷ đồng
Liên quan tới số tiền trên, HĐXX tuyên buộc Eximbank phải có trách nhiệm chi trả gốc và lãi theo ba sổ tiết kiệm cho bà Chu Thị Bình.
Trong các năm 2012-2017, Lê Nguyễn Hưng (nguyên là Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê. Sau đó, gã lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Bình tại Eximbank TP.HCM.
Bằng thủ đoạn này, Hưng còn rút số tiền hơn 10 tỷ đồng của Eximbank TP.HCM trong tài khoản tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm (ngụ quận 7, TP.HCM); chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm của chị Lê Thị Minh Quí (ngụ quận 7, TP.HCM) và rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang gửi tại Eximbank TP.HCM số tiền 245 tỷ đồng.
Cựu chủ tịch ngân hàng dính vòng lao lý
Hưởng lợi gần 500 triệu đồng từ việc gửi tiền trong các chi nhánh của MHB và đầu tư trái phiếu quay vòng, cựu Chủ tịch MHB trả giá bằng 13 năm tù giam. HĐXX tuyên phạt ông Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long - MHB) 13 năm tù; Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng Giám đốc MHB) 10 năm tù.
Bị cáo Lữ Thị Thanh Bình (Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán MHB - MHBS) 11 năm; Trương Thanh Liêm (nguyên Phó Giám đốc khối ngân hàng đầu tư) 4 năm tù.
10 bị cáo khác cũng chịu án phạt 3 năm nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 5 năm; 2 bị cáo bị tuyên phạt mức án lần lượt là 4 năm tù và 6 năm tù.
Giám đốc chia lô, lừa bán đất chiếm 9 tỉ đồng
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam Trần Quốc Luật (SN 1975, ngụ TP.HCM, Giám đốc công ty TNHH đầu tư phát triển Trần Quốc Luật, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra, Trần Quốc Luật thành lập Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đất Thủ và Công ty TNHH đầu tư phát triển Trần Quốc Luật để kinh doanh bất động sản.
Thời điểm từ năm 2011, Luật cùng 3 đối tượng trên đã bán 4 thửa đất cho một người dân. Sau khi làm thủ tục mua bán cho người này, 4 đối tượng này tiếp tục cấu kết với nhau làm giấy tờ bán 23 lô đất (trong diện tích 4 thửa đất đã bán trước đó) cho nhiều người dân khác, thu lợi hơn 9 tỷ đồng.
Nguồn: Bảo Anh (Tổng hợp)/vietnamnet.vn