Lo tính khả thi không cao
Ngày 11/4, TVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật việc làm dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.
Dự thảo Luật việc làm quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm là: Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; Sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định pháp luật; Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật; Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc tham gia hoặc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Gây phiền hà, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động trong lĩnh vực việc làm.
Người lao động cần được đào tạo mới mong có được công việc bền vững. Ảnh IT |
Bên cạnh những quan điểm đồng tình, một số ý kiến còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của Luật việc làm. Thừa nhận sự cần thiết, song Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng thể hiện lo lắng vì “không biết luật có đánh giá được tất cả những tác động của luật không?”. Ngoài ra ông Giàu cũng phản ảnh một số điều còn chưa thống nhất, cần hoàn thiện để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ra băn khoăn về “tính khả thi có đạt được như mong muốn không”. Qua tìm hiểu ông thấy “tính khả thi một số điều không cao”. Điển hình như mảng dịch vụ công và dịch vụ cho xã hội, việc chi cho người thất nghiệp, chính sách của nhà nước về việc làm, hay quy định cung cấp thông tin thị trường lao động phải “đảm bảo bí mật. Liệu có cần thiết không?”.
Nhiều năm giữ chức vụ Bộ trưởng LĐTB&XH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem lại quy định khoản 3, điều 4 có tính khả thi không và “có đảm bảo mỗi người cần có việc làm hay không?”.
Ngoài ra một số ý kiến cũng cho rằng Luật việc làm mới chỉ quan tâm đến đối tượng yếu thế, người lao động chân tay, còn người lao động trí óc thì không đề cập.
Cho rằng đây là luật cần thiết và mang tính nhân văn cao, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị khoanh vùng lại cho rõ hơn. Theo Chủ tịch điều quan trọng cần hướng tới là khi “người lao động mất việc làm phải hỗ trợ để họ có điều kiện xin việc trở lại”. Đặc biệt với lao động nông thôn cũng cần có giải pháp. Thực tế cho thấy có đến 67,2% chưa có quan hệ lao động. “Người ta chỉ làm ruộng chứ chưa có quan hệ với ai cả. Hoặc con cái ở thành thị nhưng lại chưa có việc làm. Những đối tượng này cần được ưu tiên. Nhanh chóng đưa lao động nông thôn vào làm việc trong các khu công nghiệp”.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cho lực lượng đông đảo này, vì họ vốn đang chỉ biết làm ruộng, giờ vào khu công nghiệp làm sẽ lóng ngóng.
“Không thể có việc làm bền vững mà lao động không được qua đào tạo. Cần xem luật dạy nghề làm được đến đâu, giải quyết đến đâu, đã hỗ trợ bao nhiêu nghành nghề lao động… Trung tâm dạy nghề ở xã tôi, quê Bác đấy, được ưu tiên đấy nhưng cũng chỉ bỏ không. Các anh không tin cứ về mà xem” – Chủ tịch dẫn dụ.
Ngoài ra Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý luật cần đề cập đến các thành phần lao động khác chứ không chỉ đơn thuần là “lao động chân tay”. Hay các loại luật tương tự như Luật việc làm, Luật lao động, Luật BHXH…cần đảm bảo thống nhất cao, vì các luật này đều đề cập đến đội ngũ lao động.
Trước những ý kiến đóng góp của đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nói ngắn gọn “sẽ tiếp thu, hoàn thiện” để trình ra Quốc hội vào kỳ họp thới đây.