Lo ngại lãi suất giảm quá nhanh
Lo ngại lãi suất giảm quá nhanh
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Depark Mistra đã đưa ra khuyến cáo như vậy tại họp báo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chiều 28/5 tại Hà Nội.
Lãi suất đang "trượt" nhanh
Theo đánh giá của bản báo cáo, Việt Nam đã lấy lại được hình ảnh của mình trong mắt các nhà đầu tư thông qua sự ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số lạm phát đã giảm liên tục, tỷ giá ngoại hối ổn định.
Lý giải mà chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam đưa ra, một phần là do Nghị quyết 11 đã được triển khai thành công.
Lãi suất giảm quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng |
Nhận xét về bức tranh kinh tế quý I/2012, ông phân tích, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Quý I GDP chỉ tăng 4%, còn thấp hơn quý I năm 2011 với tốc độ 5,6%. Trong đó, công nghiệp và xây dựng giảm, chỉ tăng có 2,8%, công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,1% và xây dựng thì giảm 3,9%. Tuy nhiên, hầu hết các nước đang gặp suy giảm nên tình trạng này ở Việt Nam không phải là ngoại lệ đặc biệt.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã thay đổi, các mặt hàng truyền thống như gạo, dầu thô… đã nhường chỗ cho những mặt hàng mới, công nghệ cao như linh kiện, điện thoại xuất khẩu tăng 154%; điện tử và máy tính tăng 99%... Đây là một xu hướng mới mà ngành xuất khẩu của Việt Nam cần nắm bắt.
Lãi suất giảm là yêu cầu thực tế của nền kinh tế để khối DN hấp thụ vốn tốt hơn, dòng vốn tăng khả năng luân chuyển thực.
Mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức giảm thêm 1% từ ngày hôm nay (28/5), mức lãi suất trần huy động giảm từ 12% xuống còn 11%/năm, trần cho vay hiện chỉ còn 14%/năm. Đây là đợt công bố giảm lãi suất lần thứ 3 của cơ quan điều hành trong vòng hơn 2 tháng qua, với mức giảm tổng cộng lên tới 3%.
Tại cuộc họp báo Chính phủ Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cũng khẳng định, mức lãi suất sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới theo hướng hạ dần mặt bằng lãi suất phù hợp với giảm của lạm phát.
Việc giảm lãi suất nhanh hơn “lời hứa” ban đầu của Thống đốc NHNN rằng mỗi quý sẽ giảm 1%, cho thấy cơ quan điều hành đang rất nỗ lực để vừa mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 10% và hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nghi ngại, lãi suất đang được điều chỉnh quá nhanh sẽ gây nên những tác dụng ngược đối với tăng trưởng nếu không có biện pháp phòng ngừa. “Việt Nam đang giảm lãi suất quá nhanh, chúng tôi hy vọng việc giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ phải làm theo đúng cách để không phải hy sinh những thành quả đã đạt được như ổn định vĩ mô, năng suất tăng trưởng” – ông Depark Mistra khuyến nghị.
Thách thức lớn ở đây là hỗ trợ tăng trưởng nhưng không nới lỏng lãi suất quá sớm và tăng tín dụng quá nhanh.Với các chính sách tài khóa và tiền tệ, ông cho rằng cần lưu ý độ trễ thời gian và kết quả đề ra. Những kết quả này lại chỉ có thể có được sau 4-5 tháng chính sách đi vào cuộc sống. Do đó, cần rất cân nhắc những bước đi trong chính sách tiền tệ tiếp theo.
Chưa rõ lộ trình và chi phí tái cơ cấu ngân hàng
Nói đến nghị trình tái cơ cấu hệ thống tài chính hiện tại, ông Depark đánh giá, có nhiều giải pháp mà NHNN đưa ra như mua bán, sáp nhập các NH; NHNN mua lại; lựa chọn NHTM nhà nước hoặc NHTM cổ phần mua lại, hợp nhất theo quy định; xem xét khả năng cho ngân hàng nước ngoài tham gia góp vốn hoặc mua lại để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài... nhưng không đề cập tới việc sẽ áp dụng trong từng trường hợp cụ thể thế nào.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại hệ thống tài chính chắc chắn sẽ phải cần tới một khoản chi phí nhất định. Điều này lại chưa được ước lượng và đề cập trong lộ trình mà NHNN đưa ra. “Trên phương diện của mình WB khó đưa ra ước đoán con số chi phí cụ thể sẽ phải mất bao nhiêu, nhưng khoản chi phí này sẽ gia tăng nhanh nếu quá trình tái cơ cấu không diễn ra nhanh chóng” – ông nói.
Trên cơ sở đó, đại diện WB lưu ý, NHNN cần sớm đưa ra một lộ trình tái cơ cấu cụ thể hơn với thời gian biểu rõ ràng, cụ thể và một cơ chế giám sát có hiệu quả. Việc này làm càng sớm sẽ càng tốt cho sự phát triển của hệ thống NH, nền kinh tế.
Về dự báo các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012, WB đưa ra con số tăng trưởng khoảng 5,7%; lạm phát từ 9- 9,2%; thâm hụt tài khóa 3,6%, tài khoản vãng lai còn 1,6%.
Thu Hoài