Liệu có chạy chọt để nâng hạng chỉ số cải cách hành chính?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh (Ảnh: ND) |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2013 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 cho thấy đã có sự cải thiện hơn so với năm 2012. Điều này do kết quả cải cách hành chính của các Bộ, ngành đã tốt hơn hay còn vì lý do nào khác, thưa ông?
So với năm 2012, kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2013 của một số Bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi về thứ tự. 7 Bộ và 30 địa phương xuống hạng, 9 Bộ và 30 địa phương tăng hạng và 3 Bộ, 3 địa phương giữ vững.
Sau kết quả năm 2012, nhiều Bộ, địa phương có xem xét điều chỉnh căn cứ vào các chỉ tiêu, tiêu chí thành phần của các chỉ số để có những tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được. Nhưng bên cạnh đó cũng có Bộ, địa phương chưa thực sự quan tâm, vì vậy mới có kết quả như đã công bố.
Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến băng khăn về tính khách quan và chính xác của PAR INDEX?
Trong quá trình xây dựng chỉ số, chúng tôi đã có ý kiến của các chuyên gia, Bộ, ngành, địa phương, hình thành chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ trên thang điểm 100, trong đó tự đánh giá 60 điểm và điều tra xã hội học 40 điểm. Cấp tỉnh thì tự đánh giá 62 điểm và điều tra xã hội học là 38 điểm.
Cơ cấu này cơ bản thấy hợp lý và đối tượng điều tra xã hội học cũng là cơ bản. Tuy nhiên qua 2 năm triển khai có một số bất cập, tồn tại, hạn chế hoặc một số cái chưa lượng hóa được. Chúng tôi đã có dự định sau hội nghị công bố thì tổ chức một hội nghị rút kinh nghiệm, lấy ý kiến chi tiết của các Bộ, ngành, địa phương và qua kinh nghiệm 2 năm có thể có những bổ sung, chỉnh sửa phù hợp để triển khai ngay trong 2015.
Sao lại chọn chỉ số đánh giá 60/40 mà không để bên ngoài đánh giá hoàn toàn?
Lấy ý kiến tự đánh giá cũng rất quan trọng vì họ trực tiếp triển khai các hoạt động thì họ phải được tự đánh giá. Có thể chỉ một lĩnh vực bên ngoài có thể đánh giá nhưng ở đây có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của Bộ, ngành, địa phương nên không thể người ngoài đánh giá được.
Điều quan trọng là tự đánh giá phải có tài liệu kiểm chứng, được Bộ Nội vụ và Hội đồng tư vấn xác định, chứ không phải thừa nhận ngay kết quả tự đánh giá.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi liệu có chạy chọt, tiêu cực trong việc đánh giá PAR INDEX không, ông lý giải như thế nào về việc này?
Chúng tôi khẳng định, đối với Bộ Nội vụ là không có chuyện đó.
Có cơ chế giám sát để bảo đảm không xảy ra điều đó không?
Cơ chế tự đánh giá được Bộ Nội vụ và Hội đồng thẩm định xác định. Còn điều tra xã hội học hoàn toàn khách quan vì đây là phát phiếu và lấy mẫu ngẫu nhiên.
Kết quả điều tra xã hội học có vênh nhiều với kết quả tự chấm không, thưa ông?
Không có chuyện vênh vì điểm tự đánh giá và điểm điều tra XHH được cộng vào để tính điểm tổng trên thang số 100 điểm.
Bộ Nội vụ có nhận được phản ứng tiêu cực của các Bộ, địa phương bị đánh giá thấp trong PAR INDEX 2013 không?
Không có, vì trong quá trình đánh giá kết quả đã có sự trao đổi. Bộ Nội vụ và Hội đồng thẩm định có thể tăng giảm nhưng yêu cầu phải có tài liệu kiểm chứng, trao đi đổi lại nên các Bộ, địa phương đã biết kết quả đánh giá trước khi công bố.
Ông mong chờ điều gì sau Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2013 này?
Như Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đã nói, mục tiêu của cải cách hành chính là công cụ của quản lý. Thông qua công bố chỉ số một mặt là đưa ra những thứ hạng về kết quả cải cách hành chính, nhưng quan trọng hơn là xác định điểm mạnh, yếu của các Bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực cải cách hành chính.
Thông qua đó các Bộ, ngành, địa phương xác định quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu, phải có cái nhìn nghiêm túc về chỉ số này để phát huy điểm mạnh và tập trung khắc phục hạn chế để có thể đạt mục tiêu cải cách hành chính.
Xin cảm ơn ông!