Liên Hợp Quốc kêu gọi dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt do đại dịch Covid-19
Tuyên bố này đưa được ra tại Trụ sở Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ ở Gevena (Thụy Sỹ), hôm qua 24/3. Cụ thể, Cao ủy Nhân quyền đang nói về các nước như Iran, Venezuela, Cuba, Zimbabwe và Triều Tiên.
Liên Hợp Quốc kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: AP). |
Bà Bachelet cho biết: “Trong thời điểm đặc biệt hiện nay, cả về lý do gắn với những nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực y tế - xã hội, cả với mục đích hỗ trợ nhân quyền và bảo toàn sự sống của hàng triệu người ở những nước này các biện pháp trừng phạt cần được nới lỏng hoặc đình chỉ”.
Đồng thời, bà Bachelet nhấn mạnh, điều quan trọng quyết định sự sống còn là phải tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế của bất kỳ đất nước nào, tính đến tác động bùng nổ của đại dịch Covid-19 về tỷ lệ tử vong, thiệt hại và lây lan toàn cầu.
Theo quan điểm của Cao ủy Nhân quyền, cần phải giải thích rộng rãi với các nước về trường hợp “đặc biệt” trong các lệnh trừng phạt đối với việc cung cấp các sản phẩm có tính nhân đạo và cho phép cung cấp thiết bị y tế cũng như hàng hóa khác để chống lại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng và linh hoạt.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền lưu ý, ở Iran đã có hơn 1.900 người tử vong do mắc Covid-19, trong đó có 50 nhân viên y tế. Các lệnh trừng phạt đối với Iran đã ảnh hưởng đến việc cung cấp các loại thuốc và trang thiết bị y tế cơ bản, bao gồm cả máy thở và các thiết bị bảo vệ dành cho y bác sĩ.
Iran là nước có số ca tử vong nhiều thứ 4 thế giới chỉ sau Italy, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khác với 3 nước trên, Iran không áp đặt lệnh phong tỏa lên người dân. Dù vậy, chính quyền Iran vẫn kêu gọi người dân tránh rời khỏi nhà và đã ra lệnh đóng cửa một số nơi công cộng, trung tâm giải trí, khu mua sắm.
Ngoài ra, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thông qua kế hoạch “thời chiến”, trong đó có gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỉ USD cho các doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình ở các nước đang phát triển đang vật lộn chống đại dịch Covid-19.
Ông Guterres cho biết, G20 chiếm 85% GDP toàn cầu và có lợi ích trực tiếp cũng như vai trò quan trọng giúp các nước đang phát triển ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh.
Cũng theo ông Guterres, cần phải tạo ra một cơ chế phản ứng dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để chống lại tác động của đại dịch Covid-19. Theo ông, điều này sẽ tăng cường phản ứng toàn cầu và cung cấp nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Hôm 11/3, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là “đại dịch toàn cầu”.
WHO cho biết việc tuyên bố đại dịch không liên quan đến sự thay đổi bản chất của căn bệnh nhưng lại liên quan đến những quan ngại về khả năng lây lan về mặt địa lý. Tình trạng đại dịch được xác nhận nếu một căn bệnh mới mà con người chưa có khả năng miễn nhiễm lan rộng ngoài dự kiến của thế giới.
Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 197 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.