Lì xì bằng... cổ phiếu
Lì xì bằng... cổ phiếu
Từ “hiện kim chuyển qua hiện vật”, và cổ phiếu trở thành món quà hợp thời cho dân chứng khoán lì xì đầu năm.
Thành công là… không đầu tư
Thật khó để có một thống kê chính xác về những tổn thất của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong năm Tân Mão vừa qua. Chỉ biết rằng, không ít nhà đầu tư trót rót hết vốn vào cổ phiếu và phải nhận hệ lụy ôm đống nợ nần, thất nghiệp, gia đình tan vỡ, thậm chí phải vào bệnh viện tâm thần…
Có những nhà đầu tư ban đầu có công ăn việc làm hẳn hoi như kỹ sư, nhân viên văn phòng, dân kinh doanh… Tuy nhiên, với đam mê làm giàu và “yêu” bảng điện bởi những con số nhảy múa tạo ra tiền, họ dần chuyển hẳn sang nghề “buôn chứng”. Lịch làm việc của họ tất thảy đều giống nhau, sáng lân la đến sàn, chiều lướt net “nghe ngóng” thông tin. Thậm chí đêm đến còn trăn trở mãi với bài toán lợi nhuận từ “chứng”.
Dù bất cứ ở đâu, trên bàn nhậu, quán café hay thậm chí ở nhà, những mã chứng khoán với 3 ký tự chữ cái ghép vào nhau luôn được nhắc đến.
Thị trường chứng khoán không ngừng lao dốc nhưng nhà đầu tư vẫn nuôi kỳ vọng, vẫn còn niềm tin vào sự phục hồi. Và giờ đây, đồng vốn hàng tỷ đồng chỉ còn là mớ giấy lộn, giá cổ phiếu chỉ bằng ly trà đá, mớ rau… hay thậm chí còn được ví von như “ve chai đồng nát”.
Cầm “cổ” trong tay, nhà đầu tư bán cũng không được mà để cũng không xong.
Cũng bởi thế mà năm mới Tết đến, hầu hết các ý kiến tâm sự đều hướng đến cùng nội dung, rằng năm nay sẽ không còn biết đến ý nghĩa của cái Tết và sự bình an trong năm mới. Họ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để lo cho các khoản nợ đáo hạn đang ám ảnh ngay trước mắt.
Nhà đầu tư có nickname amtich tham gia chứng khoán vừa tròn 1 năm, khi mà nhiều bậc đàn anh đã rời bỏ với nhiều mất mát, đã chịu cảnh thất bại thảm hại. “Giờ là lúc lo trả nợ và thề không bao giờ tham gia vào cái thị trường này nữa” – amtich chia sẻ.
Đặc biệt hơn, một trader lão làng với nhiều chiến tích, đã đồng hành cùng thị trường chứng khoán suốt 10 năm, nhưng nay cũng đành chấp nhận rời bỏ thị trường.
Tình cảnh này giống với hầu hết các nhà đầu tư còn bám trụ lại cùng thị trường chứng khoán đến nay. Đơn giản chỉ vì họ đã mất quá nhiều nên không thể cắt lỗ được nữa.
Nhiều nhà đầu tư chua xót nói rằng, nếu bầu chọn nhà đầu tư nào thành công trên TTCK Việt Nam trong năm 2011 thì danh hiệu này sẽ thuộc về những ai không tham gia vào thị trường.
Tết Nhâm Thìn, lì xì bằng “cổ”
Kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa, có lẽ chưa năm nào nhà đầu tư lại phải đón một cái Tết u ám như năm nay.
Còn nhớ những năm về trước, dân chứng đón Tết trước cả tháng, ăn mừng một năm buôn bán phát tài, mua may bán đắt. Còn các nhân viên CTCK lại được một phen “ra oai” với họ hàng, cô bác gần xa khi tiền thưởng tết thuộc hàng “khủng”. Và họ cũng là một trong những nhân tố góp phần làm “biến tướng” tục mừng tuổi đầu năm bằng những tờ polime hay tiền “đô”, “ơ rô”.
Thế nhưng năm nay không khí ảm đạm bao trùm tất cả, nghe xôn xao tại các góc café, trên diễn đàn…, họ nói vui với nhau sẽ lì xì bằng… cổ phiếu.
“Tết này, ta lì xì người già, lớn, trẻ nhỏ bằng cổ phiếu, ai muốn chọn "cổ" gì tha hồ mà chọn, đủ các loại mã. Số thừa còn lại, ta ngồi ngắm đủ no ba ngày xuân” – nhà đầu tư ThaoNguyen góp vui.
Với nỗi niềm buồn chứng, một nhà đầu tư có địa chỉ email ttc171979 đã ví von trên diễn đàn Vietstock:
"Ai ơi bưng bát chứng đầy
Dẻo thơm chẳng thấy, đắng cay muôn phần
Mẹ ơi con tích cóp bao ngày
Ném vào sọt "chứng" lại là "chứng ung"
Năm nay ăn tết gì đây?
Hay là lấy "chứng" mang ra bó giò "
Xuân đã sang, cầu chúc cổ phiếu lì xì của dân chứng sẽ đâm chồi khi hạ tới, thu qua sẽ nảy lộc và đơm hoa kết trái khi đông về!
Tục mừng tuổi Tục mừng tuổi đầu năm xuất phát từ Trung Hoa. Người xưa gọi tiền mừng tuổi là “áp tuế tiền”. Đó là những đồng tiền được xâu lại, cột bằng sợi chỉ đỏ theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc cạnh gối với mục đích chống ma quái, bảo vệ giấc ngủ yên lành cho con trẻ... Thời gian trôi qua, những đồng tiền được gói trong giấy đỏ và trở thành phong tục mừng tuổi đầu năm với ý nghĩa mang lại niềm vui, may mắn cho mọi người. Có nơi, người dân lấy chỉ đỏ xuyên qua những đồng tiền để tặng nhau nhân ngày tết với ngụ ý chúc “sống lâu trăm tuổi”. Họ còn xuyên thành hình thú mang ý nghĩa tốt lành như cá chép, rồng, hình chữ “như ý”... với ngụ ý chúc nhau được no đủ, dư thừa. Ở những cái Tết xưa, người ta lì xì nhau bằng tiền xu, tiền hào. Tiền càng lẻ càng tốt bởi quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi này nở, làm ăn phát tài trong năm mới. |
Thanh Nụ