Lên kế hoạch lập Công ty Công nghệ, ViettelPost nuôi khát vọng xuất khẩu phần mềm bưu chính
|
Một trong 3 nhiệm vụ chính Viettel Post đề ra cho Công ty Công nghệ dự kiến sẽ được thành lập vào quý II/2018 là cung cấp các giải pháp CNTT cho nội bộ doanh nghiệp mình, trên cơ sở đó tiến tới mang các giải pháp công nghệ này bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước (Ảnh minh họa) |
Uber, Grab tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển phát chuyển mình
Trong chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?” do ICTnews tổ chức hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech Group, chuyên gia đã có 15 hoạt động trong lĩnh vực CNTT nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Nhấn mạnh cuộc cách mạng này không loại trừ ngày nào và ngành chuyển phát cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như các ngành khác, ông Bình nêu dẫn chứng, các hãng vận tải công nghệ Uber, Grab, GoJek… đều đã bước chân vào lĩnh vực chuyển phát. Vì vậy, các hãng chuyển phát truyền thống sẽ buộc phải tự chuyển mình hoặc phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để chuyển đổi, điện tử hóa hoạt động của mình sang nền tảng hoàn toàn công nghệ nhằm đón đầu những thách thức.
Để có thể thể tồn tại và phát triển trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, ông Bình cho rằng trước nhất lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển phát truyền thống phải xác định CNTT là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. “Lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển phát cũng cần phải có tư duy ứng dụng công nghệ triệt để thay thế con người, cắt giảm chi phí, tăng độ chính xác và tận dụng nguồn lực của xã hội”, ông Bình nói.
Trao đổi với ICTnews nhân dịp đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, Đại úy Trần Trung Hưng - Tổng Giám đốc Viettel Post đã bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm của người đứng đầu NextTech. Ông Hưng chia sẻ: việc các doanh nghiệp vận tải công nghệ như Uber, Grab… tham gia vào lĩnh vực chuyển phát không chỉ mang lại thách thức mà còn đưa đến cơ hội để các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát truyền thồng như Viettel Post tìm cách bứt phá, phát triển.
“Bởi lẽ, nếu theo kịp các doanh nghiệp này, doanh nghiệp chuyển phát sẽ có lợi thế. Còn ngược lại, nếu không theo kịp, doanh nghiệp chuyển phát sẽ tụt hậu. Có thể thấy, trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện của các doanh nghiệp công nghệ như Uber, Grab… đã tạo ra động lực để buộc các doanh nghiệp chuyển phát phải chuyển mình, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hoặc tự xây dựng hệ thống của đơn vị mình đạt được các tiêu chuẩn về hạ tầng công nghệ như các doanh nghiệp Uber, Grab”, ông Hưng nêu quan điểm.
Với riêng Viettel Post, là doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, trong khoảng hơn 10 năm gần đây, doanh nghiệp chuyển phát này đã không ngừng gia tăng đầu tư hệ thống CNTT. Đến nay, sau hơn 20 năm thành lập, CNTT đã thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực và toàn diện các hoạt động sản xuất cũng như quản lý, điều hành tại Viettel Post.
Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của CNTT trong các hoạt động tại doanh nghiệp đã được Tổng giám đốc Trần Trung Hưng thể hiện rõ trong chia sẻ về định hướng phát triển của Viettel Post tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì diễn ra hồi đầu tháng 7 năm ngoái. Theo ông Hưng, 1 trong 4 chuyển dịch mạnh mẽ sẽ được Viettel Post tập trung hiện thực hóa trong chặng đường mới là chuyển dịch để trở thành một công ty công nghệ bưu chính. Kế hoạch thành lập Công ty Công nghệ trong năm 2018 được xem là một bước đi trong quá trình thực hiện khát vọng đưa Bưu chính Viettel thực sự chuyển mình thành doanh nghiệp mạnh về công nghệ bưu chính.
Công ty Công nghệ của Viettel Post sẽ có 3 "trụ" chính
Thông tin cụ thể hơn về những mục tiêu, kỳ vọng của Viettel Post đối với định hướng thành lập Công ty Công nghệ trực thuộc Tổng công ty, ông Trần Trung Hưng nhấn mạnh, xây dựng kế hoạch thành lập Công ty Công nghệ, Viettel Post hướng tới giải quyết 3 bài toán, đồng thời cũng là nhằm tạo dựng ra 3 “trụ” của đơn vị này.
Trong đó, “trụ” đầu tiên trong hoạt động của Công ty Công nghệ sẽ là cung cấp các giải pháp CNTT cho chính nội bộ doanh nghiệp mình, trên cơ sở đó tiến tới mang các giải pháp công nghệ này bán cho những doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát, thậm chí là bán cả ra nước ngoài.
“Trụ” thứ hai là tập trung cung cấp các giải pháp CNTT hỗ trợ các khách hàng sản xuất kinh doanh và bán hàng. “Chúng tôi xác định mỗi khách hàng đều cần có một hệ thống CNTT thông minh để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hệ thống công nghệ liên quan đến bán hàng. Do đó, Công ty Công nghệ của Viettel Post sẽ cung cấp giải pháp công nghệ cho các khách hàng của doanh nghiệp mình để hỗ trợ họ phát triển kinh doanh”, ông Hưng lý giải.
“Trụ” thứ ba của Công ty Công nghệ, theo chia sẻ của đại diện Viettel Post, là mở rộng đầu tư sang công nghệ phần cứng, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến dây chuyền sản xuất, băng chuyền.
Cũng theo người đứng đầu Viettel Post, đến nay doanh nghiệp chuyển phát này đã xây dựng được một đội ngũ công nghệ khá hùng hậu. Trên thực tế, từ cuối tháng 1/2018, Viettel Post đã thành lập vào giao nhiệm vụ cho Trung tâm Công nghệ. “Chúng tôi cho rằng, CNTT là con người. Chú trọng đầu tư vào con người là sẽ có hạ tầng CNTT tốt. Do đó, chúng tôi chú trọng vào đầu tư vào con người. Mới đây Viettel Post đã được bổ sung thêm 1 Phó Tổng giám đốc phụ trách Công nghệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng, bổ sung lực lượng cho đội ngũ làm công nghệ của Tổng công ty”, ông Hưng cho biết thêm.
Lãnh đạo Viettel Post dự kiến khoảng quý II/2018, sẽ tính đến việc thành lập Công ty Công nghệ, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Công nghệ. Theo Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng, hiện tại cơ bản các yếu tố về nhân sự, mô hình tổ chức cũng như điều kiện hạ tầng cho Công ty này đã được chuẩn bị xong. Tuy nhiên, trước khi quyết định thành lập Công ty, Ban lãnh đạo Viettel Post muốn có khoảng thời gian để thử thách thêm với đội ngũ của Trung tâm Công nghệ.
“Trước mắt, cần cho họ thử sức ở mảng đầu tiên, đó là xây dựng cho Bưu chính Viettel một hạ tầng CNTT hiện đại. Họ phải giải quyết tốt nhiệm vụ đầu tiên này thì mới có cơ hội để được nâng cấp lên thành Công ty Công nghệ”, đại diện Viettel Post chia sẻ.