Lẽ sinh tồn của “người Sinh Tồn”

Mùa hè qua, vợ chồng anh Trần Kim Sơn - chị Võ Thị Bích Liên cùng hai bé Trần Anh Nhựt, Trần Anh Thái có một kỳ nghỉ hè mà họ đã chờ đợi từ gần hai năm nay: từ đảo Sinh Tồn vượt gần 300 hải lý về quê ngoại, quê nội ở Cam Ranh.

Lẽ sinh tồn của “người Sinh Tồn”

Lẽ sinh tồn của “người Sinh Tồn”
Gia đình anh Sơn, chị Liên vừa từ Trường Sa về thăm đất liền - Ảnh: Phạm Vũ
Chị Liên tâm sự: “Mỗi lần được gọi “người Trường Sa” tôi lại thấy trong lòng hãnh diện. Cả cha mẹ tôi cũng bảo “nghe mát ruột” mỗi khi ai nhắc về mấy đứa con, đứa cháu ở Trường Sa. Có khi tôi cũng ngồi nghĩ niềm hãnh diện ấy ở đâu ra? Chính là từ tình cảm của những người ở trong bờ dành cho “người Trường Sa” - mà đa số những người ấy lại chẳng biết Trường Sa là như thế nào. Ở Trường Sa, chúng tôi từng được nhận rất nhiều sự giúp đỡ của nhiều đoàn thể, nhiều người không quen biết, nay lại thêm chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Tình cảm ấy biết bao nhiêu mà nói”.

Ở thôn Bình Ba, đảo Cam Bình, TP Cam Ranh, Khánh Hòa, anh Sơn không nhận ra nhiều thanh niên đang ngồi chờ lên ghe “đi bạn” vì “tụi nhỏ lớn nhanh quá”. Lập nghiệp ở đảo Sinh Tồn bốn bề trời nước, cả gia đình anh Sơn, chị Liên bỡ ngỡ khi về quê, dù quê cũng vẫn là một hòn đảo. Và, mới chỉ có mấy ngày mà “đã thấy nhớ Sinh Tồn”.
Việc chính yếu nhất của kỳ nghỉ là chị Liên sẽ vào TP.HCM để khám và mổ một khối u xơ, việc quan trọng không kém là giữ lời hứa đưa hai bé Nhựt - Thái đến Nha Trang xem festival biển. Nhưng câu chuyện với cả gia đình anh Sơn mấy ngày nay chỉ xoay quanh những tin tức dậy sóng từ biển Đông vừa cập nhật sau mấy ngày di chuyển trên biển.
“Ở Sinh Tồn không có báo, Cam Bình cũng rất ít, chúng tôi theo dõi tin tức qua tivi. Đi biển từ năm 16 tuổi rồi chọn Sinh Tồn làm nơi lập nghiệp, tôi hiểu sống ở đó còn là một nhiệm vụ với đất nước. Ở Sinh Tồn, những người dân luôn đứng bên cạnh quân đội, tin tưởng vào các biện pháp giải quyết ngoại giao nhưng cũng chuẩn bị tất cả để bảo vệ nhà của mình, đảo của mình, biển trời của mình” - anh Sơn tâm sự.
Người còn thì đảo còn
Từ ngày khoác balô ra đảo Sinh Tồn, cuộc sống của anh Sơn, ngư dân xã đảo Cam Bình, đã thay đổi. Ở Cam Bình, anh đi ghe bạn đánh cá, lúc gần bờ, lúc xa bờ, từ nhỏ tới lớn gắn với biển. Ra Sinh Tồn, chiếc ghe của anh đành bỏ lại vì đảo chưa xây dựng được âu thuyền để tránh sóng gió. Anh và những ngư dân khác đánh bắt quanh đảo bằng thúng chai, bằng lưới giăng quanh rìa san hô. Thời gian còn lại, anh Sơn gia nhập đội dân quân tự vệ.
Anh Sơn cười trước sự tò mò của bà con đảo Cam Bình: “Không phải tập luyện chơi chơi cho có lệ đâu, văn ôn võ luyện đàng hoàng, có học cả chiến thuật, chiến lược. Chỉ quen chài lưới nhưng tôi cố gắng tập luyện nghiêm túc vì biết việc này quan hệ thiết thân đến sinh mạng của mình và gia đình. Đã là dân đảo phải luôn luôn sẵn sàng cùng bộ đội bảo vệ đảo. Truyền thống đã có rồi đó: người còn thì đảo còn. Sinh Tồn kia mà”.
Sinh Tồn (tên quốc tế: Sin Cowe Island) là một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Đảo này cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận là địa phận của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam, cách đất liền 320 hải lý, cách đảo Sinh Tồn Đông 15 hải lý về phía đông. Đảo chạy dài theo hướng đông tây, chiều dài khoảng 400m, chiều rộng 140m. Hai đầu của đảo theo hướng đông tây có hai dải cát di chuyển theo mùa sóng gió.
(Nguồn: Wikipedia)
Với chị Liên thì mọi việc có vẻ nhẹ nhàng hơn. Trên bãi Nồm của thôn Bình Ba chiều nay, chị cũng nhập vào một nhóm những người phụ nữ ngồi trên bãi cát nhìn ra biển, thầm đoán xem ghe của chồng có gặp được cá, sẽ được chia bao nhiêu tiền.
Ở Sinh Tồn, chị Liên đã được nhận vào làm nhân viên phục vụ trong doanh trại bộ đội, có thêm một đầu lương để lo cho gia đình. Mỗi ngày ở Sinh Tồn với chị Liên thanh thản hơn ở Bình Ba. Giữa những lo toan như trữ nước mưa, chăm luống cải, khay rau muống, những tranh đoạt chừng như xa lắm.
“Trên đảo luôn bình yên mà”. Anh Sơn thổ lộ một chờ đợi của anh và tất cả ngư dân ở đảo: chủ tịch UBND huyện đảo cho biết sang năm Nhà nước sẽ hỗ trợ các hộ dân một tàu đánh cá lớn. Mỗi đảo một chiếc sử dụng chung cho các hộ. Anh Sơn hào hứng hẳn lên khi nhắc đến nghề đi biển: “Có nó, chúng tôi sẽ có thể chinh phục thật sự ngư trường Trường Sa”.
Được ra Trường Sa, thấy tận mắt ngư trường rộng lớn và giàu có, ai cũng nảy lên ý nghĩ: ngư dân sao cứ phải mãi nghèo? Tôi hỏi và anh Sơn nói mạnh mẽ: “An ninh quốc phòng mạnh, người dân an tâm với việc đánh bắt, chế biến thủy sản, an tâm vay tiền đầu tư tàu công suất lớn thì cũng làm giàu được chớ”.
“Người Trường Sa” ước
Những “người Trường Sa” như anh Sơn và chị Liên chưa được biết chương trình “Góp đá xây Trường Sa” mà báo Tuổi Trẻ tổ chức. Được xem những thông tin về một bà cụ về hưu, một em bé, những cán bộ công nhân viên đang tích cực quyên góp, đóng góp “xây Trường Sa”, chị Liên đọc lặng lẽ rồi lại to giọng gọi Nhựt và Thái, hai cậu con trai, đến đọc cho nghe: “Xem mọi người đang giúp đảo của mình nè”.
Chị Liên nói vợ chồng chị và các con có may mắn được làm “người Trường Sa”. Nhưng tôi biết ở Sinh Tồn thiếu thốn rất nhiều. Đảo không có nước ngọt, chỉ có cây bàng vuông, phong ba, bão táp để lấy màu xanh. Mỗi nhà phải xây hầm hứng nước mưa dùng cả năm. Nhưng thiếu điện, thiếu nước, thiếu thực phẩm tươi sống không phải là vấn đề với “người Trường Sa”. Day dứt nhất là điều kiện học hành, môi trường bạn bè của mấy đứa trẻ.
Chị Liên kể một chuyện mới ở Sinh Tồn: ủy ban xã vừa đồng ý với các hộ dân là sẽ tìm giáo viên, mở thêm lớp 5 để các em học ngoài đảo cho hết cấp 1. Như vậy, năm nay bé Thu Hiền - một cư dân nhí của đảo - chuẩn bị lên lớp 5 sẽ không phải một mình vào bờ, xa cha mẹ quá sớm, nhưng em lại vẫn phải chịu thiệt thòi tiếp tục học một mình một lớp. Những đứa trẻ may mắn được làm “người Trường Sa, người Sinh Tồn” nên chúng cũng phải chịu đựng rất nhiều.
Được hỏi về những ý tưởng “xây Trường Sa”, anh Sơn nhìn xa xôi: “Mơ ước thì nhiều lắm. Ví như làm sao có thể bồi đắp cho đảo rộng thêm, sẽ có chỗ nhiều hơn cho dân ở, có chỗ làm một trường học đàng hoàng, không phải ghép trong ủy ban xã như hiện nay, có chỗ mở rộng trạm xá, có chỗ xây dựng nhà máy chế biến, thu mua thủy sản tại chỗ, có âu thuyền, cầu cảng để tàu thuyền của ngư dân tới lui thường xuyên mua bán, trao đổi thủy sản, vật phẩm...”.
Anh Sơn cười bảo anh biết là khó lắm, nhưng “nhà của mình, lúc nào mình cũng muốn ước mơ cho đẹp, cho rộng, muốn xây đắp cho tiện nghi, hiện đại. Đảo coi như nhà mình, lại là hàng rào của nước mình, nhất định phải giữ gìn, phải bồi đắp cho mạnh, cho vững, cho đẹp. Chương trình được nhiều người ủng hộ, nếu nhiều người cùng ước mơ thì có thể được chứ”.
Trường Sa phải được bình yên
Về tới Bình Ba, anh Trần Kim Sơn ngay lập tức nhập vào chiếc ghe đi bạn. Hết một ngày trên biển, ghe của anh chỉ đánh được vài xô cá cơm xanh vì gặp dòng nước ngược làm cá trôi hết khỏi lưới. Chia nhau được trăm ngàn đồng, anh Sơn về nhà chuẩn bị cho chuyến vào TP.HCM.
Trước những thông tin về biển Đông những ngày gần đây, anh Sơn tâm sự: “Không lo, không sợ. Đảo của mình, biển của mình từ bao đời nay rồi mà. Nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ, bảo vệ chủ quyền của mình thì thế giới nhất định sẽ ủng hộ”.
Ôm con trai vào lòng, anh lặp lại niềm tin giản dị và chắc chắn của mình vào lẽ phải: “Phải có công lý chứ. Chúng ta đúng mà. Nhất định không thể có chuyện gì xảy ra với Trường Sa. Xong việc ở đất liền, gia đình chúng tôi sẽ về Sinh Tồn ngay...”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !