Lễ hội đền Gióng, “ẩu đả” hay không: Ai có quyền kết luận?
Câu chuyện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kết luận báo chí đưa tin không khách quan về vụ “ẩu đả tại lễ hội đền Gióng” đang “gẩy ra” một vấn đề rất quan trọng, nó đang hiện hữu quanh sự việc “sửa” các nghị định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi thông tin sai sự thật.
Đầu năm ngoái, hàng loạt các Nghị định được các ban ngành soạn thảo đều đưa ra chế tài khác nhau cho hành vi đăng thông tin sai sự thật. Báo chí đã giật mình lên tiếng cho rằng, như vậy “ai cũng được quyền xử phạt báo chí”. Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc yêu cầu nghiên cứu xử lý vấn đề báo nêu. Cuối năm 2014, Bộ Tư pháp chủ trì đã đưa ra tờ trình kèm theo dự thảo nghị định sửa các nghị định khác liên quan đến xử phạt hành vi đăng phát thông tin sai sự thật.
Tuy nhiên, việc sửa này đã không loại trừ hoàn toàn đối tượng báo chí ra khỏi các nghị định đã bị sửa. Theo chuyên gia báo chí, nếu dự thảo nghị định này có hiệu lực thì dù không có quyền ra quyết định phạt, nhưng các cơ quan quản lý chuyên ngành, (đôi khi là đối tượng bị báo chí phản ánh hoặc có liên quan) vẫn có quyền kết luận đúng sai sự việc.
Từ câu chuyện, thời sự, cụ thể về “có hay không chuyện ẩu đả tại lễ hội đền Gióng”, nhiều nhà báo bày tỏ lo lắng về việc “ai có quyền kết luận đúng sai khi báo đăng”.
Qua cuộc trao đổi giữa PV Infonet và Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh, quý độc giả phần nào thấy rõ được vấn đề.
Tại lễ hội đền Gióng, một số báo đưa tin, có hình ảnh về cuộc ẩu đả tại lễ hội đền Gióng, nhưng mới đây, Sở VHTT&DL Hà Nội đưa ra kết luận “báo chí không khách quan”, đây là phong tục lễ hội. Quan điểm của anh như thế nào xung quanh kết luận này?
Ngay sau khi xảy ra việc báo chí phản ánh về đoàn rước lễ hội đền Gióng ngày 6/01 (Âm lịch), qua báo chí, tôi được biết có hiện tượng xảy ra chen lấn xô đẩy, dùng gậy gộc tấn công nhau. Clip mà báo chí đưa tin cho thấy lực lượng bảo vệ kiệu dùng gậy ngăn cản, đánh những người xông vào cướp hoa tre. Từ những hiện tượng chen lấn, một số tờ báo đã đưa tin là “ẩu đả, đánh nhau”.
Tuy nhiên, một tờ báo khác lại đưa tin, địa phương cho rằng đấy là phong tục có hiện tượng chen lấn, tranh giành.
Xem kỹ những clip đó, tôi thấy có chuyện dùng hung khí là gậy vụt xuống những người lao vào cướp hoa tre là có thật, có hiện tượng bạo lực như báo đưa tin. Báo chí đã phản ánh khá chính xác hiện tượng này.
Còn nếu nói hiện tượng này là theo phong tục cũng là điều dễ hiểu vì Hà Nội là cơ quan chủ nhà, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội là cơ quan tham mưu cho UBND Thành Phố Hà Nội về văn hóa lễ hội. Việc mà họ thiên về hướng các phong tục tập quán để giải thích, biện minh cho hành vi dùng vũ lực tranh giành hoa tre diễn ra tại lễ hội, cũng là điều mà chúng ta dễ chia sẻ và dễ thông cảm.
Lễ hội đền Gióng diễn ra mùng 6 Tết vừa qua (ảnh Zing) |
Anh có nghĩ rằng kết luận của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có thể là căn cứ để xem xét “báo chí đưa tin sai sự thật” không?
Về mặt nguyên tắc, sau khi có Kết luận của Sở VHTT&DL, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có quyền triệu tập các cơ quan báo chí, phóng viên (trong phạm vi quản lý của Sở) viết bài liên quan lễ hội đền Gióng, để xem xét có hay không hành vi đưa tin sai sự thật. Tuy nhiên, cơ quan cấp Thành phố chỉ xử lý trong phạm vi Hà Nội thôi. Những nhà báo, cơ quan báo chí không thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội, (báo chí Trung ương) phải cấp Bộ mới có thẩm quyền.
Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định rằng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ có thẩm quyền quản lý lễ hội với địa bàn Hà Nội, trên đó còn có cơ quan cao hơn là Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông mà những cơ quan được Chính phủ phân công quản lý. Những cơ quan này có thể xem xét về vấn đề.
Giả sử, nếu kết luận của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là căn cứ khẳng định báo chí đăng tin sai sự thật, anh thấy có vấn đề gì ở đây?
Như tôi đã nói ở trên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong trường hợp này là đối tượng chịu trách nhiệm quản lý Lễ hội trên địa bàn. Do đó, không thể xem kết luận của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là kết luận cuối cùng được.
Khi họ quy trách nhiệm về việc quản lý lễ hội trên địa bàn thì họ phải biện minh theo hướng có lợi hơn cho họ. Việc họ cho rằng đó là phong tục tập quán thì cũng cần phải có bằng chứng. Chẳng hạn như phong tục đó diễn ra từ bao giờ. Những năm trước có không, ai là người xác nhận. Cần phải có bằng chứng để thể hiện điều đó. Cho nên tôi cho rằng, không nên coi kết luận của Sở VTT&DL là kết luận của cơ quan có thẩm quyền để từ đó buộc báo chí phải cải chính, xin lỗi hoặc ra quyết định xử phạt hành chính.
Hỏi thẳng anh, quan điểm cá nhân của anh, báo chí cho rằng “ẩu đả” tại đền Gióng có là thông tin sai sự thật hay không?
Tranh chấp thông tin như này, ở các nước thường có những Hội đồng báo chí. Hội đồng này bao gồm cơ quan Nhà nước, các nhà báo có uy tín, các hiệp hội, các chuyên gia độc lập… Hội đồng này sẽ bỏ phiếu để đưa ra kết luận báo chí có đưa tin sai sự thật hay không?
Từ việc bỏ phiếu đó, sẽ có căn cứ chính xác việc báo chí có đưa thông tin sai sự thật hay không. Người ta sẽ xem xét thông tin báo chí nêu và những bằng chứng mà báo chí dùng để viết bài.
Cho nên, cá nhân tôi cho rằng những phản ánh của báo chí với những hình ảnh video clip là có cơ sở, không phải là thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, sự thật ở báo chí có thể khác với sự thật trên thực tế, có thể cơ quan Nhà nước muốn nói đến sự thật phải là bản chất chăng?
Cá nhân tôi vẫn cho rằng, báo chí đưa tin là có cơ sở.
Xin cảm ơn anh!