Lật lại vấn đề có nên công nhận mại dâm là một nghề?
Đây là quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng xung quanh câu chuyện có nên coi mại dâm là một nghề hay không?.
Hoạt động tồn tại lâu nhưng chưa được thừa nhận
Mại dâm là một hoạt động tồn tại đã lâu, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), hoạt động mại dâm ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia đóng góp 2-14% GDP và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới hoạt động này bị coi là vi phạm pháp luật, trong đó có cả các nước phát triển và có tư tưởng rất thoáng về quan hệ tình dục như Mỹ. Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, hoạt động mại dâm giảm về bề nổi, nhưng đi vào tinh vi hơn, có các đường dây hoạt động mại dâm liên tỉnh, ra nước ngoài, mại dâm nam, mại dâm đồng giới buôn bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm có yếu tố nước ngoài gia tăng…Trong khi đó, theo số liệu của Tổ chức ILO cho thấy số người bán dâm ở nước ta hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, có khoảng 75.000 người là nữ giới.
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của mại dâm, đã có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc có nên hình sự hóa hay hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, coi đây là một nghề hay không. Mới đây, Bộ LĐTB & XH một lần nữa lại đưa vấn đề này ra bàn thảo. Theo đó, câu chuyện có nên xây dựng dự án Luật về mại dâm và các chính sách dự kiến trong dự án Luật, câu chuyện có nên coi mại dâm là một nghề hay không đã gây sự chú ý của dư luận.
Cần đánh giá tác động để công nhận mại dâm là một nghề
Bày tỏ sự tán thành việc coi mại dâm là một nghề, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới đã công nhận mại dâm là một nghề, ví dụ ở New Zealand đã có luật bảo vệ nghề mại dâm, chứ không phải vấn đề đến bây giờ mới bàn đến.
“Chúng ta phải hiểu rằng có cung thì có cầu, đây không phải là vấn đề thiếu lành mạnh, quan trọng là chúng ta quan niệm như thế nào và tổ chức như thế nào. Những người làm mại dâm là những người dễ bị rủi ro nhất, họ rất dễ bị tổn thương, là những người yếu thế. Mại dâm xuất phát từ nhu cầu rất bình thường của xã hội, chúng ta không nên câu nệ về những câu chuyện đó nữa, ở đây đừng bàn đến khía cạnh đạo đức mà nó là nhu cầu xã hội và sự cần thiết phải bảo vệ những con người yếu thế dễ bị tổn thương” – ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Trên thực tế, ĐB Nhưỡng cho rằng chúng ta hiện đang quản lý mại dâm như một thứ “tệ nạn của xã hội”, coi những người làm nghề này như ma, như hủi. Trong khi một số nước, thậm chí ngay nước láng giềng Thái Lan, Singgapore dù cấm mại dâm nhưng họ thừa nhận về mặt thực tế... coi đó là một nghề!
Do đó, ĐB Nhưỡng cho rằng “chúng ta phải quản lý nó như một nghề, một hoạt động của xã hội. Phải coi đó là một vấn đề đặc biệt để có sự quản lý đặc biệt và có một thái độ ứng xử phù hợp.
Không phủ nhận việc công nhận mại dâm là một nghề cũng sẽ tồn tại những rủi ro do đó ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh cần phải đánh giá chính xác những tác động xã hội để hình dung hết những mặt lợi, hại của nó.
Theo đó, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cần phải có nghiên cứu cụ thể. Trong đó, đại biểu Nhưỡng chỉ ra một số vấn đề cần tập trung. Cụ thể: Đầu tiên cần phải đánh giá tác động xã hội của mại dâm này với xã hội, với chính những người làm nghề này và những vấn đề có liên quan như đảm bảo hạnh phúc gia đình, thuần phong mỹ tục; Hai là quản lý các vấn đề về thu thuế, khám chữa bệnh; Ba là học tập kinh nghiệm quốc tế một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Thứ tư là vấn đề tổ chức ở những khu vực nào…
TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): Xét về mặt sức khỏe, nếu coi mại dâm là một nghề, người hoạt động trong lĩnh vực này có nhiều lợi thế, đó là họ được khám sức khỏe định kỳ, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng phòng vệ, tập huấn kỹ năng phòng chống bệnh lây qua đường tình dục... Ngay cả người đứng ra tổ chức cũng phải đăng ký hoạt động, có trách nhiệm với nhân viên của mình. Như vậy, quyền lợi của người hành nghề mại dâm được hưởng nhiều hơn.