Lãnh đạo Bộ chưa dùng Facebook vì ngại biến kỳ vọng thành thất vọng
Lãnh đạo Bộ e ngại biến kỳ vọng thành thất vọng
Tại buổi Giao lưu báo chí với cơ quan quản lý nhà nước do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay, 15/3/2016, ở Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2016, trao đổi với Infonet về vấn đề nhiều người kỳ vọng sẽ có ngày càng nhiều các lãnh đạo Bộ sử dụng Facebook để tăng cường trao đổi thông tin với nhà báo, phóng viên và người dân, Thứ trưởng Nguyễn Viết tiến chia sẻ: "Cá nhân tôi rất hoan nghênh việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lập fanpage để tiếp xúc nhanh với người dân và báo chí. Nhưng bên cạnh đấy cũng e ngại ở chỗ Bộ trưởng, Thứ trưởng không phải lúc nào cũng sẵn sàng trả lời ngay được. Những thông tin trao đổi qua fanpage rất nhanh, kịp thời, độ chính xác cũng tốt. Nhưng cũng có lúc việc này, việc nọ, cũng có lúc đi công tác nên rất khó trả lời kịp thời".
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: B.M |
"Bản thân tôi sẵn sàng đưa lên fanpage như vậy, nhưng không khéo sự kỳ vọng của người dân lại trở thành thất vọng. Nếu làm được việc đưa kỳ vọng trở thành hy vọng, như Bộ trưởng Tiến thì rất hoan nghênh. Nhưng bản thân tôi thì có thể sẽ biến từ chỗ kỳ vọng trở thành thất vọng vì tôi không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu trao đổi thông tin qua fanpage như vậy", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến nghị các nhà báo, phóng viên nên tiếp cận đầu mối thông tin là Chánh Văn phòng của Bộ. Đây cũng là một kênh thông tin chính thống, nhiều khi đáp ứng thông tin nhanh hơn.
Cùng được hỏi về vấn đề lãnh đạo Bộ sử dụng Facebook, tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo có mặt tại buổi Giao lưu không có thông tin phản hồi.
Lãnh đạo báo chia sẻ áp lực "gỡ bài"
Tiếp nối câu chuyện Infonet gợi mở với lãnh đạo Bộ Y tế, nhà báo Nguyễn Lan Anh, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phân tích: "Các Bộ càng cởi mở với báo chí bao nhiêu thì càng có sự hợp tác tốt hơn. Thời gian qua, 2 Bộ Giáo dục & Đào tạo và Y tế đã có sự cởi mở nhất định. Bộ trưởng Y tế cũng có ý tưởng, lộ trình để cởi mở hơn với báo chí. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Mong rằng 2 Bộ sẽ thường xuyên tổ chức họp báo hơn nữa. Khi họp báo thành thói quen thì sẽ thành ngôi nhà chung để phóng viên, nhà báo đến chia sẻ, cập nhật thông tin kịp thời".
Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Nguyễn Lan Anh chia sẻ áp lực gỡ bài đối với người lãnh đạo báo. Ảnh: B.M |
Tổng Biên tập Nguyễn Lan Anh cũng thẳng thắn chia sẻ hiện trạng "nhiều anh chị em phóng viên, nhà báo không thể tiếp cận được nguồn thông tin chính thống của lãnh đạo Bộ nên phải xin ý kiến các chuyên gia, Nhưng chuyên gia bây giờ, đôi khi chỉ có mác bác sĩ, giáo viên nhưng cũng tự gắn mác chuyên gia y tế hay giáo dục. Nhà nước chưa có chỗ nào cấp phép, xác định xem hàng ngũ như thế nào thì được gọi là chuyên gia. Phóng viên chúng tôi rất thiếu thông tin chính thống, chính vì thế buộc phải mượn lời các chuyên gia".
"Vừa qua, những thông tin tích cực thì các Bộ rất chủ động cung cấp thông tin, nhưng những cái tiêu cực hoặc chưa tích cực lắm thì lại rất bị động. Nhiều khi chưa như mong muốn lại gọi điện yêu cầu các báo gỡ tin, bài xuống. Người đứng đầu tờ báo rất khó xử. Nếu gỡ bài và gây áp lực với phóng viên thì chẳng bao giờ anh em phóng viên sẽ đi làm những thông tin mới. Mong với những thông tin chưa tích cực thì các cơ quan quản lý cũng vào cuộc, làm như thế nào để xã hội hiểu đúng bản chất vấn đề, tránh chuyện con sâu làm rầu nồi canh", bà Nguyễn Lan Anh khuyến nghị.
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Thời báo Ngân hàng, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đồng tình rằng cần tăng cường hơn nữa hoạt động họp báo. Còn về chuyện nhiều tin, bài đăng tải lên mạng rồi lại yêu cầu rút đi, Thứ trưởng chia sẻ: "Thận trọng trước lúc lên bài để đảm bảo được tính chính xác, khách quan là tốt nhất. Đấy cũng là uy tín của tờ báo và cũng là uy tín của phóng viên. Nếu viết sai nhiều, thậm chí nhiều tờ báo phải bồi thường mấy trăm triệu đồng vì tin không chuẩn. Cũng có nhiều tin, bài đưa lên chính xác, phóng viên không sai, nhưng tính bất lợi nhiều hơn, không thúc đẩy sự phát triển thì không nên đưa".