Lần đầu tiên luật hóa các vấn đề về quyền trẻ em
Sáng 26/10/2017, tại Đà Nẵng, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT (Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) tổ chức hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: Hội thảo này tập trung phổ biến 2 văn bản quan trọng của hoạt động phát thanh truyền hình. Theo đó, Thông tư 09 vừa mới được ban hành nhằm giúp các các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản thực hiện tốt chức năng thông tin, đặc biệt là với đối tượng khán giả trẻ em. Thông tư này cũng đưa ra những cảnh báo đối với những chương trình không nên cho trẻ em xem.
Đây là lần đầu tiên, các văn bản qui phạm pháp luật chính thức hóa vấn đề về quyền trẻ em, nhằm triển khai thực hiện điều 46 của Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua, ông Lâm nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu được phổ biến, trao đổi, cung cấp thông tin về Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT (ngày 23/6/2017) quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm; Thông tư số 18/ 2016/TT-BTTTT ngày 28/6/2016 qui định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương.
Theo đó, các nội dung ưu tiên sản xuất đăng, phát sóng, xuất bản bao gồm: thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại bạo lực, bóc lột trẻ em; hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng an toàn; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng cho đối tượng trẻ em.
Thông tư cũng quy định rõ các đài, kênh truyền hình phải có thời lượng phát sóng tối thiểu 60 giây mỗi lần phát sóng đối với tin tức về trẻ em, với tần suất phát sóng mới tối thiểu 1 lần/ngày trong Tháng hành động vì trẻ em hàng năm; ưu tiên khung giờ vàng, giờ sinh hoạt chung (6 giờ -07 giờ 30 phút; 12 giờ - 13 giờ 30; 18 giờ - 21 giờ) dành cho các tin tức, nội dung, chuyên đề về trẻ em. Đối với báo in và báo điện tử thì nội dung thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải được ưu tiên đăng tải ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết để trẻ dễ dàng tiếp cận.
Các xuất bản phẩm dành cho trẻ em của tác giả trong nước ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất bản thì phải đảm bảo các yếu tố: chính xác về lịch sử, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đề cao tình yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cao đẹp, thể chất lành mạnh; phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; phù hợp với mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.
Hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 26/10/2017. |
Khi thông tin về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan thì phải làm mờ hoặc che mặt trẻ, đảm bảo thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật thì đối với trẻ em dưới 07 tuổi phải có sự cho phép của cha mẹ, người giám hộ, với trẻ trên 07 tuổi thì nhất định phải được sự đồng ý của chính trẻ.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm đo kiểm và dịch vụ phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử đã trình bày về thông tư số 37/2017/TT-BTTTT ngày 26/12/2017 quy định về quy trình, thủ tục công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung truyền hình và giới thiệu về dự án đo lường định lượng khán giả truyền hình.