“Lạm thu học phí, sao chưa hiệu trưởng nào bị kỷ luật?”
Chiều 5/12, HĐND Hà Nội đã thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đề cập đến tình trạng lạm thu học phí, đại biểu đề nghị UBND báo kết luận thanh tra về danh sách các trường và cá nhân vi phạm. Đối với đề án dạy ngoại ngữ, nhiều ý kiến phản ánh chất lượng giáo viên vừa thiếu vừa yếu, vậy lý do gì để UBND cho phép dạy tiếng Anh 2 buổi mỗi tuần ở cấp 1 và cấp 2, bên cạnh đó việc thu phí cũng không thống nhất giữa các trường gây búc xúc cho các bậc phụ huynh.
ĐB ngạc nhiên vì chưa có hiệu trưởng nào bị xử lý kỷ luật khi xảy ra lạm thu. Ảnh LD |
“Tình trạng lạm thu các khoản thu khác ngoài học phí không giảm. Nguyên nhân phải kể đến do Ban giám hiệu nhà trường không thực hiện nghiêm. Khi xảy ra lạm thu, tại sao chỉ có quận Thanh Xuân trả lại tiền cho phụ huynh. Chúng ta đã kỷ luật ông hiệu trưởng nào khi họ thực hiện lạm thu chưa?” – ĐB Nguyễn Ngọc Thạch nêu.
Trước tình trạng dạy và học tiếng Anh, ĐB Đỗ Trung Hải chất vấn: “Có bao nhiêu cơ sở đủ điều kiện dạy và học? Kinh phí các trường công lập sẽ thực hiện như thế nào trong điều kiện dạy hai buổi mỗi tuần?”
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND phản ánh thực trạng chương trình dạy thêm không thống nhất, có trường còn đưa người nước ngoài vào dạy. Đặc biệt nhiều trường đang áp dụng mức thu học phí rất cao, chỉ học có 2 buổi mỗi tuần nhưng có nơi thu tới 600 nghìn đồng mỗi tháng. Bà Thùy nêu, những nơi chưa đủ cơ sở vật chất sẽ huy động ngân sách nhà nước hay phụ huynh phải đóng góp?
Trả lời chất vấn của các ĐB, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nói, kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT nêu một số trường thu đã một số khoản ngoài quy định. Trước thực trạng 31 trường trên địa bàn lạm thu trong năm nay, UBND đã chỉ đạo ngành GD trả lại ngay tiền cho phụ huynh.
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các quận huyện xử lý nghiêm tình trạng lạm thu. Ảnh LD |
Tình trạng lạm thu qua kiểm tra chủ yếu vi phạm xảy ra ở các trường mần mon, tiểu học, trung học cơ sở. Về việc xử lý vi phạm, bà Ngọc tỏ ra bức xúc vì việc xử lý thuộc thẩm quyền của UBND các quận huyện, cấp Sở không thể xử lý được. “Chúng ta phải phát huy triệt để vai trò quản lý. Có những nơi làm rất tốt, khi xảy ra vi phạm đã trả lại tiền ngay. Nhưng nhiều nơi dù đã có văn bản yêu cầu nhưng họ còn không thực hiện. Thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm, học thêm thuộc UBND các quận huyện. Vì thế từng quận huyện phải thực hiện giám sát, Sở sẽ tăng cường kiểm tra. Nếu đúng trách nhiệm thuộc hiệu trưởng, quận huyện cần xem xét, xử lý theo đúng quy định”.
Phó Chủ tịch TP phụ trách giáo dục còn cho biết, khi triển khai đã yêu cầu các đơn vị thực hiện theo quy trình các khoản thu. Qua đó các trường phải lên kế hoạch, và xin ý kiến trước khi thực hiện. Sau khi thu phải công khai quyết toán. Nhưng các trường lại triển khai không đúng quy định, cứ làm xong rồi mới xin ý kiến. Trước thực tế đó, bà Ngọc khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tìm hiểu văn bản để thực hiện cho tốt, đồng thời phản ánh chính xác, kịp thời những sai phạm để các cấp có thẩm quyền xử lý.
Theo bà Ngọc, Hà Nội đang là nơi thu học phí thấp nhất của cả nước. Vì thế chi phí học tập không thể bằng hoặc vượt 5% thu nhập của các gia đình. Với đề án dạy ngoại ngữ, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến 2020 có 100% số học sinh phổ thông phải tự tin khi giao lưu bằng ngoại ngữ. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội phải đi đầu trong lĩnh vực này. Bộ GD&ĐT khi về làm đã đánh giá rất cao đề án của Hà Nội.