Lạm phát cuối năm gánh nhiều sức ép tăng giá
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), sẽ có nhiều yếu tố tác động đến CPI trong 6 tháng cuối năm 2016.
Sự biến động của giá dầu mỏ, khí đốt sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác sẽ tác động đến giá hàng hóa trong nước qua kênh nhập khẩu. Giá lương thực, thực phẩm trong nước có nhiều biến động do thời tiết, môi trường cũng góp phần tác động đến các giá các mặt hàng khác.
Ngoài ra, với sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công của nhóm y tế và giáo dục theo lộ trình thị trường. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí dự kiến sẽ được áp dụng điều chỉnh trong năm học mới 2016 -2017, giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục được các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo điều chỉnh.
Thời gian qua, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm hàng giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,61% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,22%.
Báo cáo của Cục Quản lý giá cho biết, hiện nay đã có 17 tỉnh báo cáo, trong đó đa số các tỉnh đều có dự kiến tăng giá dịch vụ giáo dục vào thời điểm đầu năm học mới, cụ thể là vào tháng 9/2016.
Tiếp đó là giá dịch vụ y tế dự kiến cũng sẽ được điều chỉnh tăng lần hai với mức tăng khá lớn. Giá dịch vụ khám bệnh từ mức 7.000 - 200.000 đồng sẽ tăng lên từ 29.000 - 200.000 đồng; giá dịch vụ ngày giường bệnh từ mức 31.000 - 354.000 đồng sẽ tăng lên từ 108.000 - 677.000 đồng.
CPI tháng 7 sẽ tăng nhẹ
Ttheo dự báo của Cục Quản lý giá, CPI tháng 7/2016 tăng nhẹ so với tháng 6.
Nguyên nhân là do mặt bằng giá tháng 7/2016 của 2 mặt hàng gồm lương thực, thực phẩm có sự biến động sẽ gây áp lực tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bởi tháng 7 là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị mùa bánh dịp Rằm Trung thu nên giá một số nguyên liệu: trứng, đường... có thể tăng.
Hơn nữa, đây cũng là thời điểm mùa mưa bão nên có thể tác động đến một số nguồn cung hàng hóa Tháng 7 là tháng bắt đầu mùa mưa bão nên có thể tác động đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, từ đó có thể gây tăng giá hàng hóa cục bộ tại một số địa phương.