Lãi nghìn tỷ của EVN "mất trắng" vì lỗ "khủng" quá khứ
Có lãi, nhưng chưa biết thưởng bao nhiêu
Tuy EVN năm nay có lãi, nhưng trước câu hỏi của PV Infonet về tình hình lương, thưởng Tết dành cho cán bộ nhân viên tập đoàn này, ông Tri từ chối tiết lộ với lý do, hôm nay mới là ngày 27/12, EVN vẫn chưa quyết toán đơn giá nên chưa biết cụ thể sẽ thưởng như thế nào, do vậy chưa thể công bố được.
“Về quy chế lương thưởng thì phải có lãi, có quyết toán theo đơn giá, vượt kế hoạch lợi nhuận thì mới có thưởng theo Thông tư 18 của Thủ tướng Chính phủ” – ông Tri nói.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri thông tin, năm 2013 doanh thu EVN là 172.000 tỷ đồng, nhưng do phải xử lý hơn 4.000 tỷ đồng lỗ lũy kế từ các năm trước nên khoản lãi của tập đoàn bị giảm đi, chỉ còn 120 tỷ đồng, trong đó chênh lệch tỷ giá đưa vào một phần.
Về tình hình nhân sự, Phó tổng EVN cho hay, vừa qua Chủ tịch EVN đã ký văn bản trong các doanh nghiệp không được tuyển nhân sự mới mà chỉ được điều chỉnh để tăng năng suất lao động.
“Với điều kiện kinh tế hiện nay, tăng trưởng thấp hơn so với dự báo chúng tôi, thực tế tăng trưởng của EVN năm nay chỉ đạt 10% so với dự kiến ban đầu là 13%”- ông Tri cho biết.
"Căng thẳng" thu xếp vốn
Nói về tình hình tài chính hiện nay của EVN, ông Tri cho biết, năm 2013 EVN cân bằng được tài chính, công ty mẹ và các công ty con đã đáp ứng được yêu cầu về vay vốn để đầu tư các dự án mới.
Tuy nhiên, riêng 3 Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 vẫn không thể vay vốn do nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 5 – 6 lần (quy định để được vay vốn là nợ/vốn chủ sở hữu là dưới 3 lần, nếu quá mức này phải do Thủ tướng ký). Do đó EVN phải đứng ra vay vốn rồi cho các tổng công ty này vay lại.
“Nhu cầu đầu tư đầu tư hiện nay của EVN còn rất khó khăn do nhu cầu tăng trưởng điện cao trong khi khả năng tài chính lại hạn chế. Đơn cử như năm 2014 EVN phải đầu tư 123.000 tỷ, riêng năm 2013 là 110.000 tỷ đồng, và số tiền này chủ yếu là đi vay.
“Khả năng tài chính của EVN vẫn đang đảm bảo được nợ/ vốn chủ sở hữu không quá 3 lần (hiện là tỷ lệ này là 1,8 – 2 lần), nhưng nếu phải đi vay cho các công ty con nhiều thì chỉ khoảng 2 -3 năm nữa khả năng tài chính EVN sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì thế chúng ta phải đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa các mô hình đầu tư vào ngành điện, như đầu tư theo hình thức BOT chứ một mình EVN không thu xếp đủ” – Ông Tri nói.