Lạ lùng bưởi non, vỏ bưởi từng vứt bỏ nay được ráo riết tìm mua
Ráo riết lùng mua bưởi non, vỏ bưởi
Bưởi da xanh có hương vị ngon, ngọt. Nông Thôn Việt cho biết, điểm đặc biệt của loại bưởi này là phần cùi và vỏ của chúng rất thơm, hơn hẳn các giống bưởi khác. Để vườn bưởi đạt hiệu quả cao, người trồng thường loại bỏ bớt một lượng lớn trái bưởi non giúp cho cây phát triển tốt, cho nhiều trái đạt chất lượng. Những trái bưởi non loại thải thường bị vứt bỏ trong vườn, khi phân hủy thường gây ô nhiễm môi trường.
Thấy những trái bưởi non vứt đi nhiều trong khi nhu cầu thị trường về cùi bưởi làm chè lại lớn, anh Đặng Văn Phước (Đồng Nai) thu mua những quả bưởi non da xanh với giá 3.000 đồng/kg. Sau đó, nhân viên công ty sẽ gọt vỏ. Phần vỏ anh để nấu tinh dầu, còn phần cùi sẽ sơ chế, cấp đông, cung cấp cho các quán chè. Sau khi sơ chế, anh bán cùi bưởi non với giá 70.000-90.000 đồng/kg.
Trên thị trường, người tiêu dùng có thể lựa chọn mua cùi bưởi gọt vỏ, chưa sơ chế với giá 25.000 đồng/kg, cùi đã thái chưa khử đắng giá 60.000 đồng/kg và loại cùi đã khử đắng giá 70.000-90.000 đồng/kg.
Không chỉ bưởi non mà vỏ bưởi da xanh cũng đang được nhiều thương lái tìm mua về để nấu tinh dầu, ứng dụng vào làm mỹ phẩm phục vụ đời sống. Tuy nhiên, vỏ bưởi phải mỏng, không có nhiều cùi trắng. Giá thu mua vỏ bưởi đang là 3.500-4.000 đồng/kg. Vỏ bưởi được thu mua quanh năm.
Loài cua kỳ lạ biết leo cây, giá siêu đắt
Mới đây, tại một nhà hàng ở TP.HCM, nhiều thực khách bất ngờ trước những con cua "khủng" được nhốt riêng trong lồng. Con cua có lớp vỏ màu đen, nâu sậm pha lẫn màu xanh, tím, vàng; hai càng to phía trước và nhiều chân nhỏ phía sau.
Chủ nhà hàng cho biết, đây chính là loại cua dừa hiếm gặp lần đầu được nhà hàng nhập về để phục vụ thực khách.
Loại cua dừa mà nhà hàng này vừa nhập có trọng lượng từ 1,5-2kg, chiều dài sải chân khoảng 40-50 cm. Dù giá bán từ 6-7 triệu đồng/kg, tính ra mỗi con cua trung bình hơn chục triệu đồng nhưng vẫn có nhiều khách đặt trước để thưởng thức loài cua "độc, lạ" này.
Cua dừa là loài động vật chân đốt lớn nhất thế giới. Loại cua này phân bố chủ yếu trên các hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương và một phần ở Thái Bình Dương, rất hiếm gặp ở thị trường Việt Nam.
Cua dừa leo trèo giỏi nhờ vào các khớp chân khỏe và cặp càng rắn chắc giúp cho chúng có thể leo lên tận ngọn dừa, bổ toạc lớp vỏ để ăn phần cơm dừa bên trong. Ngoài ra, cua dừa có thể săn bắt và ăn thịt một số loài động vật nhỏ như chuột hoặc chim. Thịt cua dừa có chất lượng thơm ngon.
Loại cá ở Việt Nam phát ra tiếng kêu rất lạ
Cá cóc được người dân miền Tây gọi là "cá cậu ông Trời". Ngoài ra, chúng còn có tên gọi là "mỹ ngư" bởi dáng vẻ đẹp đẽ. Tên gọi cá cóc do người Campuchia đặt, xuất phát từ tiếng kêu “cóc cóc, cóc,... ” liên tục của nó mỗi khi chúng bị bắt.
Cá cóc thường sống thành từng đàn ở những vùng nước sâu. Cá cóc có dáng dấp hình thoi kéo dài, trên lưng có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Gần đây, loài cá này trở nên khan hiếm. Nhiều người lo ngại “cậu ông Trời” vùng sông nước có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá cóc được chế biến với rất nhiều món ngon. Ở Vĩnh Long, các nhà hàng đều đưa cá cóc vào thực đơn nhưng vì cá cóc ngày càng hiếm nên thường khách phải đặt trước. Một số trang thương mại điện tử và cửa hàng đặc sản miền Tây rao bán cá cóc với giá tới 450.000 đồng/kg.
Hạnh Nguyên