Kinh tế VN đứng thứ 42 thế giới: Đừng tưởng là thành tích
Thậm chí chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh còn cho rằng thứ hạng này không nói lên điều gì.
Cuối tuần trước WB công bố bảng xếp hạng GDP năm 2012, trong đó việc GDP Việt Nam đứng thứ 42/214 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng đã gây sự chú ý của dư luận những ngày qua.
Theo bảng xếp hạng của WB, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore với quy mô tổng sản phẩm quốc nội theo sức mua đạt 322,72 tỷ USD. Đáng nói, thứ bậc mà Việt Nam đạt được còn cao hơn cả một số nước châu Âu phát triển như Phần Lan, Đan Mạch...
Nhiều quan điểm tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng đã có sự nhầm lẫn nào đó trong bảng xếp hạng của một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.
Theo bảng xếp hạng của WB, GDP năm 2012 của Việt Nam đạt 322,72 tỷ USD, đứmg thứ 42/214 quốc gia và vùng lãnh thổ |
Tuy nhiên,trao đổi với PV Infonet, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bảng xếp hạng này là hoàn toàn chính xác, bởi cách của WB dựa trên phương pháp tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo ngang giá sức mua (PPP) chứ không phải GDP danh nghĩa mà các nước vẫn công bố.
Phương pháp tính theo PPP tính toán hiệu quả tương đối của sức mua nội địa đối với những nhà sản xuất hay tiêu thụ trung bình trong nền kinh tế. Nó có thể sử dụng để làm chỉ số của mức sống đối với những nước chậm phát triển là tốt nhất vì nó bù lại những điểm yếu của đồng nội tệ trên thị trường thế giới.
Vì thế, "GDP Việt Nam xếp thứ 42/214 quốc gia và vùng lãnh thổ thì không có gì là mừng rỡ, lạc quan" – TS. Doanh chia sẻ.
Theo ông, nếu tính GDP theo ngang giá sức mua thì thường chỉ số này cao hơn GDP danh nghĩa. "Muốn so sánh sự phát triển của quốc gia này hơn quốc gia khác thì phải căn cứ vào GDP bình quân đầu người. Dân số Việt Nam là 90 triệu dân thì làm sao so sánh được với một nước chỉ có vài ba triệu dân" – ông nói.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được. WB là một tổ chức quốc tế, dù có cơ quan hoạt động tại Việt Nam nhưng không thể "tường tận chuyện trong nhà" được.
"Các con số thống kê chỉ thể hiện được một phần nào bức tranh, chứ không miêu tả hết được bức tranh đó. Giống như bộ quần áo mặc hàng ngày cho chúng ta thấy nhiều thứ, nhưng cũng che giấu những điểm quan trọng nhất. Nói thế để thấy phải rất thận trọng với con số thống kê, nhất là của các tổ chức quốc tế thì tham khảo là chính" – TS. Bùi Kiến Thành bày tỏ quan điểm.
Ngược lại, điều khiến cả hai vị chuyên gia này lo lắng là những "căn bệnh" nội tại của nền kinh tế vĩ mô dường như chưa có chuyển biến gì, vẫn còn y nguyên trước mắt. Bất động sản vẫn "bất động", nợ xấu chưa được giải quyết dù Công ty mua bán tài sản (VAMC) đã được thành lập.... Bên cạnh đó sự chậm trễ trong triển khai tái cấu trúc nền kinh tế có thể khiến niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm và làm triển vọng tăng trưởng thêm xấu.
"Chỉ khi nào những căn bệnh nan y này được giải quyết thì mới hy vọng nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng bền vững" – TS. Doanh bình luận.
Về dự báo của WB về tăng trưởng của Việt Nam năm 2013 từ 5,3-5,4%, nguyên Viện trưởng CIEM nêu quan điểm, đây là mức dự báo thấp nhất trong nhiều năm qua. Mức này có thể đạt được nếu một loạt cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế được thực hiện nghiêm túc, rốt ráo.