Kim cương không cứng bằng chất lạ trong hòn đá thiên thạch
Khối đá thợ đào vàng tìm được ở Siberia, Nga |
Theo tờ Science alert, tảng đá đến từ không gian chứa theo khoáng chất cứng hơn cả kim cương. Các nhà khoa học đặt tên cho vật chất đó là Uakitite, trong tảng đá phát hiện ở khu vực Uakit, Siberia, nơi thiên thạch rơi xuống.
Boris Shustov, viện trưởng Viện Thiên văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết việc tìm thấy các khoáng chất mới trong thiên thạch khá phổ biến bởi chúng hình thành trong điều kiện cực khác với Trái Đất. Ông nói: "Đây là hiện tượng thường gặp bởi một số khoáng chất ra đời trong điều kiện vũ trụ và không có trên Trái Đất".
Khối đá thiên thạch có thành phần chủ yếu là sắt, 98% là kamacite, hợp kim sắt-niken với 90% là sắt. 2% còn lại được tạo thành từ hơn một chục khoáng chất, hầu hết trong số đó chưa được biết đến, được hình thành trong không gian. Thành phần của nó được dự đoán hình thành trong môi trường cực nóng, hơn 1.000 độ C.
Các đặc tính vật lý của uakitite rất khó đánh giá do kích thước hạt quá nhỏ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng nó màu vàng trong suốt và có ánh kim, sở hữu độ cứng lớn hơn kim cương.
Lượng khoáng chất mới nhỏ đến mức phải áp dụng kỹ thuật kiểm tra đặc biệt như nhiễu xạ điện từ thay vì phân tích tia X như truyền thống.
Hiện, các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu thêm và họ hi vọng có thêm nhiều mẫu vật để có cái nhìn mới về không gian ngoài Trái Đất.