Kiện toàn Thanh tra xây dựng – Loay hoay như “gà mắc tóc”!?
Thực hiện Nghị định 26/2013/NĐ-CP, Hà Nội đã đưa ra 2 phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng và lực lượng làm công tác quản lý trật tự tại quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Trong đó, với phương án thứ nhất, lực lượng Thanh tra xây dựng sẽ thuộc Sở Xây dựng.
Công tác quản lý trật tự xây dựng tại quận, huyện, thị xã do Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đảm nhiệm. Lực lượng này thuộc chỉ tiêu biên chế hành chính của huyện trên cơ sở tiếp nhận số biên chế cán bộ thanh tra xây dựng hiện có thực hiện việc kiểm tra, thiết lập hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trình UBND cấp huyện xử lý theo thẩm quyền.
Đối với cấp xã, sẽ bố trí từ 2 đến 3 cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng cho mỗi phường, thị trấn và từ 1 đến 2 cho xã, tham mưu, giúp việc cho UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Với phương án thứ hai, toàn bộ lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng với các phòng, ban chuyên môn và 29 Đội Thanh tra theo địa bàn tại 29 quận, huyện, thị xã. Cấp huyện và cấp xã không còn cán bộ quản lý trật tự xây dựng.
Có cán bộ quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, quận, huyện nhưng nhà, xưởng vẫn mọc như nấm sau mưa trên đất nông nghiệp, đất bãi sông Hồng (ảnh chụp các nhà, xưởng xây dựng trái phép ngoài bãi sông Hồng, cạnh cầu Thanh Trì và ven đường Nguyễn Xiển, Hà Nội ) |
Đánh giá về ưu điểm và nhược điểm của mỗi phương án, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra rằng, phương án thứ nhất không chỉ phù hợp với các quy định của Luật Thanh tra 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP, Nghị định 26/2013/NĐ-CP mà còn phù hợp với quy định của Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Ngoài ra, nếu phương án thứ nhất được áp dụng sẽ phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý hoạt động xây dựng của Thủ đô; không xáo trộn lớn về tổ chức, tạo sự ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ khiến họ yên tâm công tác, gắn bó, tận tụy thực thi công vụ …
Đối với phương án thứ hai, mặc dù phù hợp với các quy định của Luật Thanh tra 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP và Nghị định 26/2013/NĐ-CP nhưng bộ máy cồng kềnh, hiệu quả của công tác quản lý thấp, đặc biệt rất khó khăn trong việc xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, chính quyền không có lực lượng để trực tiếp giải quyết kịp thời, thường xuyên các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn; không phù hợp với đặc thù quản lý công trình xây dựng và đòi hỏi thực tiễn quản lý tại Thủ đô; chưa phù hợp với các quy định của Nghị định 180/2007/NĐ-CP.
Không chỉ vậy, nếu thực hiện theo phương án này dễ gây hiểu sai về trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng giữa UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn với Thanh tra Sở Xây dựng dẫn tới sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; công tác quản lý trật tự xây dựng dễ bị buông lỏng.
Như vậy, mặc dù đã có hiệu lực được nửa tháng nhưng việc triển khai thực hiện Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng vẫn ở tình trạng “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, bởi: Nếu thực hiện theo mô hình của Nghị định 26/2013/NĐ-CP thì buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng; còn nếu vẫn áp dụng mô hình trước TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã áp dụng trước khi Nghị định 26/2013/NĐ-CP ra đời thì … trái luật.
Kỳ sau: Chính quy hóa Thanh tra xây dựng - Chính quy trên giấy?