Kiến nghị sớm có “hàng rào” quản lý dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới
We TV đang cung cấp hàng chục ngàn bộ phim có phụ đề tiếng Việt trên App vào Việt Nam. |
Các ứng dụng xem phim trực tuyến của Trung Quốc gồm We TV của Tencent và iQiYi của Baidu cung cấp xuyên quốc gia vào Việt Nam. Các ứng dụng này còn được cung cấp vào một số nước khác như Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác. Đây đều là những nước chưa có chính sách quản lý chặt chẽ về luật phát hành phim trên môi trường số. Cũng giống như các dịch vụ xuyên biên giới khác như Facebook, Google, We TV, iQiYi , Netflix, iFlix đều không thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Trưởng nhóm phát triển giải pháp dịch vụ truyền hình VTVcab ON, ngoài việc không thực hiện nghĩa vụ thuế khi cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam, các ứng dụng xem phim trực tuyến còn “nằm ngoài” việc kiểm soát về mặt nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nội dung ở đây bao gồm cả hai nội dung phim và nội dung phụ đề biên dịch sang tiếng Việt. Trong khi đó, nếu như phim nhập khẩu về để chiếu rạp hay phim phát sóng trên truyền hình, Việt Nam có quy định về kiểm duyệt về nội dung và biên tập, biên dịch sang tiếng Việt khá nghiêm ngặt.
Cũng theo ông Ngọc Hân, ở một số quốc gia do các yếu tố chính trị, xâm lấn văn hóa, lịch sử được dân chủ thì rủi ro về mặt nội dung phim cũng ít hơn. Ví dụ như phim trên Netflix do các hãng điện ảnh của Mỹ sản xuất thì chẳng hạn độ rủi ro về mặt nội dung cũng ít hơn. Tuy nhiên, với các nội dung phim của Trung Quốc thì nguy cơ về xâm lấn văn hóa, cũng như xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử qua các tác phẩm phim, hoặc clip sẽ cao hơn.
“Chính vì thế, Bộ TT&TT cần có các biện pháp đặt “hàng rào” quản lý sớm để đảm bảo nội dung phim phát hành vào Việt Nam tôn trọng các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa của Việt Nam”, ông Ngọc Hân cho biết.
Vậy việc đặt “hàng rào” đối với các ứng dụng xuyên biên giới này liệu có khả thi hay không? Ông Ngọc Hân cho rằng, hiện nay các ứng dụng này phát hành xuyên biên giới, tuy vậy khi phát hành vào nước nào thì phải chọn nước để phát hành. Nếu các đơn vị phát triển App đó chỉ cần tick (chọn – PV) các nước được phát hành, thì ở những nước không được tick người dùng nước đó sẽ tìm kiếm trên App sẽ không hiển thị ứng dụng.
Ngoài ra hãng quản lý ứng dụng là Goolge và Apple cũng can thiệp được vào việc này. Nếu Bộ TT&TT đưa danh sách các App không được phép xuất bản vào Việt Nam cho Google Play Store và Apple Store thì Google và Apple cũng sẽ chủ động ngăn chặn được, bằng cách không cho phép hiện thị tại quốc gia có khiếu nại, hoặc yêu cầu đơn vị phát hành App phải bỏ không được hiển thị tại các quốc gia có khiếu nại.
“Phim là văn hóa phẩm, nên luật của từng quốc gia sẽ được ưu tiên kể cả trong các hiệp định song phương, do đó khi Việt Nam có yêu cầu ngăn chặn thì các yêu cầu này cũng sẽ được Goolge và Apple ưu tiên xử lý”, ông Ngọc Hân cho biết.