Kiến nghị Hải Phòng bồi thường cho các hộ nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng
Hàng chục hộ NTTS Tiên Lãng đã bị UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất NTTS đang ngóng chờ tiền bồi thường từ UBND TP.Hải Phòng |
Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Văn Luân – Thư ký Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng nói: “Trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2009, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành hàng loạt quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản với diện tích lên tới hàng ngàn héc-ta nhưng vẫn chưa bồi thường cho các hội viên của chúng tôi.
Căn cứ vào Kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/2/2012 về vụ việc giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng; Điều 6, Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 và các quy định của UBND TP.Hải Phòng trong việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố, chúng tôi tiếp tục đề nghị UBND TP.Hải Phòng xem xét giao cho các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm để lên phương án bồi thường cho các hội viên của Kiên chi hội đã bị UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất nhưng chưa thực hiện việc bồi thường theo quy định của Nhà nước”.
Cũng theo ông Luân, toàn huyện Tiên Lãng có khoảng hơn 20 hộ nuôi trồng thủy sản bị UBND huyện ra quyết thu hồi đất nhưng không được đền bù. Các hộ này đã làm đơn yêu cầu bồi thường theo hướng dẫn của Cục bồi thường – Bộ Tư pháp nhưng đến nay chưa có hộ nào được nhận tiền đền bù.
Điều 6 và Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định: 1. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây: a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này; b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại. 2. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây: a) Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này; b) Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại. 3. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây: a) Do lỗi của người bị thiệt hại; b) Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc; c) Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết. Điều 14. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường 1. Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. 2. Ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường được xác định như sau: a) Trường hợp cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; b) Trường hợp tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây ra thiệt hại; c) Trường hợp có sự uỷ quyền hoặc uỷ thác thực hiện công vụ thì cơ quan uỷ quyền hoặc cơ quan uỷ thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp cơ quan được ủy quyền, cơ quan nhận ủy thác thực hiện không đúng nội dung ủy quyền, ủy thác gây thiệt hại thì cơ quan này là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; d) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; đ) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc cơ quan trung ương và cơ quan địa phương cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan trung ương là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. |