Kiếm ăn được ở quê, chẳng ai dại ra thành phố ở 5 m2
Quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương (Khoản 2 sửa đổi, bổ sung điều 20 Luật cư trú) do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang báo cáo Quốc hội nêu rõ, công dân phải có một trong các điều kiện: có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ hai năm trở lên.
Ảnh minh họa |
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Góp ý cho dự thảo Luật cư trú, ĐBQH còn thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi về quy định này.
Theo phân tích củ ĐBQH Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng), nếu thực hiện phương án nâng mức thời gian tạm trú từ 1 lên 2 năm khu vực nội thành sẽ khó khả thi.
“Thực tiễn cho thấy trong thời gian vừa qua với sự bùng nổ dân số, dù nhà nước đưa ra giải pháp hạn chế, nhưng vẫn xảy ra tình trạng người dân lách luật, bất chấp quy định chặt chẽ vẫn di cư về các thành phố để mưu sinh”.
Ngoài ra ông Hoàng cũng băng khăn đề nghị cân nhắc với quy định có xác nhận của chính quyền địa phương sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính phiền hà.
Ngoài ra ĐB cũng tỏ ra quan ngại với nội dung quy định thời hạn đăng ký thường trú, có thể xảy ra mâu thuẫn với việc công dân chuyển từ nơi khác vào thành phố.
Bên cạnh đó ĐBQH cũng bày tỏ sự băn khoăn lo ngại về những mặt hạn chế bất cập được quy định trong luật cư trú.
“Luật cư trú còn bộc lộ hạn chế. Luật chỉ thể hiện một mặt là quản lý nhà nước mà chưa làm tốt hơn quyền tự do cư trú của nhân dân. Vì thế cần làm tốt hơn cho việc cư trú của nhân dân cũng như làm tốt hơn công tác quản lý” – ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nêu quan điểm.
ĐB cho rằng các biện pháp siết chặt do cơ sở hạ tầng hạn chế là cần thiết. Nhưng chủ trương này theo ĐB “cần làm từ đầu chứ đến nay mới thắt chặt chỉ là giải pháp tình thế”.
Nhưng một thực tế hiện nay được nhiều ý kiến đưa ra là người dân kéo vào các thành phố lớn nhiệm vụ chính là làm ăn, kiếm sống sau rồi mới nghĩ đến việc cư trú. Ngược lại một số chủ trương khác dù đã có kế hoạch triển khai nhưng lại chưa thấy kết quả. Trong khi người dân tỉnh lẻ đổ ra thành phố nhằm mục đích mưu sinh.
“Dù đã bàn chủ trương đưa trường học, cơ sở y tế ra ngoại thành, rồi không cho xây nhà cao tầng ở thành phố lớn… nhưng hiện nay vẫn còn. Nếu ở quê kiếm ăn được thì người dân chẳng ra thành phố ở 5 m2 như quy định làm gì cả” – ĐB Vinh phản ảnh.
Dư luận cho rằng Luật cư trú khi ban hành sẽ góp phần siết tình trạng nhập cư vào các thành phố lớn. Nhưng thực tế đa phần người lao động lên thành phố nhằm mục đích mưu sinh. Bởi vậy Luật cư trú sửa đổi không những đảm bảo việc quản lý về mặt nhà nước, nhưng cũng cần đảm bảo điều kiện chính đang cho người dân muốn gắn bó lâu dài ở các thành phố lớn.