Khung pháp lý cho kinh tế số sẽ giải quyết xung đột Uber, Grab, Airbnb...
Chia sẻ của các chuyên gia Hàn Quốc tại Hội thảo Khung pháp lý về nền kinh tế số giữa Việt Nam và Hàn Quốc do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cùng Viện Xã hội thông tin Quốc gia Hàn Quốc (KISDI) tổ chức.
Ông Sangwon Kom Giám đốc Viện Xã hội thông tin Quốc gia Hàn Quốc cho biết, ngay cả ở Mỹ, uber, airbnb (dịch vụ chia sẻ phòng còn trống cho khách du lịch) cũng được điều chỉnh bằng những luật khác nhau ở mỗi bang. Đây là hậu quả do chưa có định nghĩa thống nhất về nền kinh tế chia sẻ trong nền kinh tế số.
Ông cho rằng khi điều chỉnh khung pháp lý phải điều chỉnh những xung đột lợi ích như uber với các công ty taxi truyền thống, airbnb với các khách sạn. Theo đó, có định nghĩa rõ ràng về nền kinh tế số sẽ không xảy ra tình trạng hiểu biết khác nhau về các dịch vụ uber, grab, airbnb giữa các quốc gia. Khung pháp lý cũng sẽ giải quyết các xung đột giữa các dịch vụ kinh tế số trong nền kinh tế.
Với tiềm năng của nền kinh tế số hiện nay, việc ra đời của khung pháp lý cho nền kinh tế này càng cần thiết.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo |
GS Choi cho chia sẻ, Hàn Quốc và Việt Nam đều phải đối mặt với các vấn đề từ những công ty xuyên quốc gia sử dụng điện toán xuyên đám mây như Google hay các công ty dịch vụ như Uber, Alibaba...
Có khung pháp lý, việc điều tiết hoạt động giữa thị trường trong nước và quốc tế đơn giản hơn. Nếu không có khung pháp lý sẽ rất khó để áp các chính sách quản lý với các tập đoàn xuyên biên giới như Google, Uber hay Alibaba...
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trước đó từng bị Google phản đối khi đưa ra một số chính sách để kiểm soát các công cụ tìm kiếm xuyên quốc gia này.
Phía Hàn Quốc tiến hành khảo sát tâm lý người dân, khi đó thứ hạng của Google xuổng rất thấp. Sau đó, Google phải thay đổi cách tiếp cận bằng cách đặt một trung tâm hỗ trợ tại Hàn Quốc để nghe khiếu nại của người dân. Đây là trung tâm đầu tiên của Google đặt ngoài nước Mỹ.
"Khi không thể điều tiết cứng, hãy sử dụng điều tiết mềm để tác động đến các tập đoàn đa quốc gia", GS Choi chia sẻ.
Chuyên gia Hàn Quốc cho biết, đối với kinh tế số cần khung pháp lý bao trùm. Tại Hàn Quốc, thay đổi các luật được thực hiện theo hình thức "bigbang" - cùng lúc thay đổi các bộ luật liên quan. Luật pháp được điều chỉnh theo thực tế xã hội.
Quá trình thực hiện, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều đạo luật để quản lý từng lĩnh vực nhỏ trong ngành nội dung số. Ví dụ đễ hỗ trợ giao dịch điện tử, phía Hàn Quốc ban hành các luật văn bản điện tử, giao dịch điện tử và chữ ký số. Những điều Luật này hỗ trợ cho tầm nhìn về phát triển thương mại điện tử của Chính phủ Hàn Quốc.
Đại diện Hàn Quốc cũng thừa nhận trong lĩnh vực công nghệ thông tin của nước này có quá nhiều Luật. Hàn Quốc tham vọng hợp nhất các luật lại như trong lĩnh vực viễn thông để có một luật điều chỉnh tất cả. Nhưng theo đánh giá, cách xây dựng luật theo thực tế đến nay vẫn phát huy hiệu quả. Với mỗi nhu cầu đưa ra một điều luật để điều chỉnh.
Phân tích từ sai lầm bắt buộc dùng công nghệ mã hóa RSA, chuyên gia Hàn Quốc cho biết, điều này vô tình tạo ra giới hạn công nghệ, ngăn cản sự sáng tạo và phát triển của các doanh nghiệp chữ ký điện tử. Vì vậy, vị chuyên gia chú trọng đến tầm quan trọng của việc đảm bảo tính trung lập về công nghệ khi soạn thảo luật. Bên cạnh đó, phía Hàn Quốc cũng cho rằng khi soạn thảo khung pháp lý cần lưu ý đến trách nhiệm cá nhân liên quan.