Khủng hoảng hết thời "mang tiền Chính phủ cho làng vay đủ"
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "... Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng có cái khó của họ..." |
Trong khủng hoảng, hành động bộc phát là dễ hiểu
Vừa rồi vụ việc 7 ngân hàng tranh chấp một tài sản thế chấp - kho cà phê “rác” tại tỉnh Bình Dương với những hành động xô xát không đáng có gây cách nhìn khác hẳn với hình ảnh bóng bẩy mà bấy lâu nay người ta vẫn “gắn mác” cho các nhà băng, ông nghĩ thế nào về điều này?
Ở các nước tư bản tội phạm "cổ cồn trắng" vẫn tồn tại, còn gây khủng hoảng và đứng sau hành động tài chính rửa riền. Chuyện 7 ngân hàng tranh chấp kho cà phê “rác” vừa rồi cũng là bình thường.
Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này "bình thường hóa”, đừng có coi đó là cái gì hết sức nghiêm trọng. Tất nhiên, ở đây lỗi chính là tự thân của các ngân hàng. Qua hành động xô xát, hành xử có phần quá mức của 7 ngân hàng trong vụ tranh chấp kho cà phê cũng là bài học bổ ích trong việc thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng.
Bản thân mỗi ngân hàng muốn tồn tại và không phải chịu những tổn thất thì phải kiểm soát lại hệ thống tài sản đảm bảo khoản vay chứ không nên đổ cho lỗi hệ thống, khách quan… mà dẫn tới sai sót. Từ sự việc này, thấy rõ là vì lợi nhuận họ sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích, thậm chí là đánh mất bản thân mình, đánh mất đạo đức nhưng vẫn làm.
Tội phạm là một tồn tại đồng hành cùng quá trình phát triển xã hội, ngay cả tội phạm "cổ cồn trắng" cũng thế. Chúng ta không thể tuyệt đối hóa trong một xã hội không có tội phạm được. Nhưng vấn đề ở đây là cách hành xử, ứng xử của xã hội đối với hành vi phạm tội, loại tội phạm đó như thế nào.
Ngân hàng Nhà nước đã thành lập hẳn Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) với cơ sở dữ liệu khổng lồ. Phải chăng sai sót của các nhà băng là họ đã không đối chiếu, tham khảo dữ liệu tại CIC nên dẫn tới hậu quả đáng tiếc, thưa ông?
Ai nói là họ không tham khảo dữ liệu của CIC? Mà nếu có tham khảo rồi nhưng vẫn cố tình để xảy ra thì là họ đã cố ý làm trái. Trong sự việc này, tôi cho rằng có lỗi từ cả hai phía và ngân hàng cũng có cái khó của riêng mình. DN đã lạm dụng tín dụng, lừa đảo, còn cán bộ tín dụng vì lợi ích cá nhân đã có hành động cho vay sai. Rồi đến khi mất trắng thì quay ra có những hành động không đáng có.
Nhân viên 7 ngân hàng đã có hành động tranh chấp một kho cà phê rác. Ảnh: Internet |
Ông có cho rằng, vì kinh tế khó khăn, các nhà băng muốn đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế nên đã dễ dãi trong giải ngân, qua loa trong thẩm định tài sản thế chấp?
- Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đó trước tiên là trách nhiệm của ông chủ ngân hàng, sau đó là trách nhiệm của các CEO và bộ phận thẩm định. Là người lãnh đạo sáng suốt thì ông chủ các nhà băng trên sẽ phải rà soát lại hệ thống kiểm định, giám sát tài sản đảm bảo của ngân hàng mình.
Còn với các cổ đông số nhà băng này cũng nên thể hiện quyền năng của mình, bằng cách yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường để xem tổng thiệt hại của ngân hàng trong vụ việc này là bao nhiêu, sau đó là truy trách nhiệm của những người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Ngân hàng mất điểm vì tranh chấp
Ông vừa nói, ngân hàng cũng có cái khó của mình nên mới ứng xử như vậy. Vậy cái khó mà ông đề cập tới cụ thể là gì, thưa ông?
Phải nhìn nhận ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, doanh nghiệp đặc thù trong lĩnh vực tiền tệ. Đã khác xa thời “em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”, nên khi ngân hàng lấy tiền của dân cho doanh nghiệp vay thì họ phải có trách nhiệm hoàn trả và tạo lợi nhuận. Khi xảy ra những rủi ro, họ tìm mọi cách để bảo toàn vốn là đương nhiên thôi. Chúng ta phải đặt vào vị trí, địa vị của các ngân hàng thì mới hiểu được những cái khó mà họ phải làm.
Đến đưa con mình dứt ruột đẻ ra, mình nâng niu chiều chuộng mà có lúc còn phải rút roi ra đánh, thì hành động bộc phát của 7 nhà băng trên là có thể lý giải được. Trong tình huống khủng hoảng, hành động bộc phát bất thường để đảm bảo tài sản có thể dễ dàng thông cảm, chúng ta đừng nên lên thành quan điểm, đánh vào đạo đức.
Vậy các nhà băng sẽ phải ứng xử như thế nào để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, thưa ông?
Không còn cách nào khác là các ngân hàng phải rà soát lại một cách nghiêm túc hệ thống giám sát, quản trị rủi ro. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn nhân viên ngân hàng, một khi con người xuống cấp thì cả hệ thống sẽ “gánh” rủi ro.