“Khủng bố” người dân bằng chất bẩn: Cần xử lý hình sự tội hủy hoại tài sản
Các đối tượng ném chất bẩn vào quán phở. (Hình ảnh được camera trong quán ghi lại) |
Tình trạng các tổ chức đòi nợ thuê hoành hành tại TP.HCM thời gian qua đã được các cơ quan chức năng đề cập nhiều lần. Theo lãnh đạo Công an Thành phố (CATP), các tổ chức “tín dụng đen” bắt đầu hoạt động ở đây từ năm 2014 với một số đối tượng từ phía Bắc.
Thống kê cho thấy, tính đến hết 2018, tại TP.HCM có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái phép, trong đó hơn 2/3 là người không cư trú ở thành phố, thậm chí số này có cả những đối tượng đang bị truy nã.
Cũng trong năm 2018, CATP đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 230 đối tượng, nhưng hầu hết họ chỉ bị xử lý vi phạm hành chính ở những lỗi không đáng kể như vi phạm đăng ký tạm trú, hay gây mất trật tự.
Trả lời tại kỳ họp HĐND hồi tháng 7 vừa qua, Giám đốc CATP – Trung tướng Lê Đông Phong khẳng định “tình hình đã đỡ phức tạp hơn so với cuối năm 2018”.
Cũng theo ông Phong, lực lượng công an Thành phố đã thu thập tất cả các dấu hiệu liên quan đến hoạt động này – bao gồm cả thông tin trên các tờ rơi dán ngoài đường để nắm tình hình và có biện pháp ngăn chặn.
Từng thừa nhận việc xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn do vướng luật, Thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM) đã có lần đề xuất thu thập bằng chứng để xử lý các đối tượng này tội “Hủy hoại tài sản”.
Theo ông Minh, trong những vụ việc các đối tượng “khủng bố” người dân bằng các tạt chất bẩn, cơ quan giám định cần tăng mức độ thiệt hại (vì nạn nhân phải cạo sơn, sửa lại công trình) và đó là cơ sở để lực lượng công an xử lý tội “Hủy hoại tài sản”.
Trao đổi với PV Infonet về hướng xử lý trên của Thiếu tướng Minh, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM Bùi Quang Nghiêm khẳng định quan điểm “hoàn toàn ủng hộ”.
“Tôi cho rằng ý kiến của Thiếu tướng Phan Anh Minh là hợp lý, vấn đề là mình thu thập được các chứng cứ để kiểm soát hành vi của các đối tượng đòi nợ thuê. Nếu cá nhân nào đó có hành vi thì chắc chắn xử lý được chứ không thể không, bởi tội “Hủy hoại tài sản” là đã rõ” – luật sư Nghiêm cho hay.
Cũng theo luật sư Nghiêm, “những cơ quan có quyền hạn và trách nhiệm đảm bảo trật tự trị án phải thấy được trách nhiệm của mình”.
“Các cá nhân, công ty nộp thuế để quản lý nhà nước đảo bảo an ninh trật tự cho họ kinh doanh. Để xảy ra chuyện như vậy có thể có trách nhiệm của cơ sở kinh doanh liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, hay quan hệ nợ nần, nhưng khi sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần thì rõ ràng phần lớn thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước” – luật sư Nghiêm phân tích.
Ông cho rằng, chính quyền phải nắm được các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê và kiên quyết “dẹp” những hoạt động trái phép.
Liên quan đến vụ quán Phở Hòa (đường Pasteur phường 8, quận 3) liên tục bị tạt sơn, hất mắm tôm… thời gian qua, chiều 5/8, CATP cho biết đã bắt giữ khẩn cấp 5 đối tượng gồm: Phạm Phong Phú, Khương Đình Đồng, Phạm Thành Đô, Nguyễn Xuân Tùng và Nguyễn Văn Công. Trong số này, cơ quan chức năng xác định Phú là người cầm đầu, 4 đối tượng còn lại là người thực hiện.
Theo điều tra bước đầu, trước đây, Phú cùng ông Trần Anh Tuấn (em rể chủ quán Phở Hòa) buôn bán ô tô và bất động sản. Tuy nhiên, do thua lỗ, sau đó ông Tuấn không còn khả năng chi, thậm chí Phú còn phải trả nợ thay nên sau đó đã chỉ đạo 4 người kia tạt chất bẩn vào nhà để đòi nợ. Khi ông Tuấn bỏ trốn, các đối tượng tiếp tục tìm đến “khủng bố” quán Phở Hòa.
Ngoài tạt sơn, nhóm người còn thừa nhận kéo đến quán phở và bỏ gián vào bát rồi vu vạ cho quán bán thức ăn bẩn để làm mất uy tín. Không chỉ ném chất bẩn vào ban đêm, các đối tượng còn ném ngay cả trong lúc có thực khách đang ngồi ăn.
Khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự quy định tội Hủy hoại tài sản: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (…) thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. |