“Không phải cứ là lãnh đạo sẽ được bình bầu tốt”
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh. Xuân Hải. |
Thưa ông, trước khi bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì mỗi chức danh này đều phải viết bản báo các tự nhận xét quá trình làm việc của mình trong suốt 2 năm qua, ông đánh giá thế nào về các bản báo cáo này?
Mỗi cá nhân đều phải viết bản báo cáo cá nhân hay có thể gọi là bản tự kiểm điểm, theo tôi bản báo cáo này mỗi cá nhân phải trung thực khi viết về phần khuyết điểm, nếu anh không trung thực nhận phần khuyết điểm thì không thể sửa chữa được khuyết điểm đó và không thể nào tiến bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình được.
Khi anh đã không nhận phần khuyết điểm của mình để quyết tâm sửa chữa thì anh không thể trở thành người tốt và khó có thể trở thành người cán bộ công chức mẫn cán của Đảng và Nhà nước trong bộ máy công quyền của chúng ta được. Và nếu những khuyết điểm của anh mà anh chưa thấy và báo cáo trung thực thì tập thể sẽ góp ý và phân tích cho anh thấy, để anh có cơ hội và sửa chữa. Nếu anh còn ngoan cố không nhận khuyết điểm của mình thì tập thể phải xem xét trách nhiệm.
Trong các bản báo cáo của 49 chức danh gửi tới các đại biểu Quốc hội lần này ông có nhận xét gì về các phần ưu, khuyết điểm của các báo cáo đó?
Cũng như lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng thế thôi căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, từng thành viên, các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn phải báo cáo công tác của mình, quá trình thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống theo quy định của pháp luật. Đồng chí nào cũng có điểm ưu, điểm khuyết, kể cả phần ưu mà người ta nhận thấy không hết thì đại biểu Quốc hội cũng góp ý đồng chí có những ưu điểm này nữa mà đồng chí chưa kể hết, đồng chí nào nói khái quát quá chưa rõ, thì Quốc hội, tập thể phải biểu dương thành tích của đồng chí ấy. Còn phần khuyết điểm đồng chí cũng phải tự nhận vì ai mà tròn trịa được. Không ai hoàn hảo được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình và bộc lộ những thiếu sót khuyến điểm là chuyện đương nhiên. Điều đó tôi cho là chuyện bình thường không có gì ghê gớm cả, chỉ có những người cố ý làm trái theo pháp luật đã quy định và không đúng chức năng niệm vụ của mình được giao, thì điều đó mới đáng lên án, sẽ được xử lý theo pháp luật.
Nhưng rất ít người dám nói hết những khuyết điểm của mình mà chỉ nêu nhiều về phần ưu điểm, làm được?
Theo tôi, trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì ai mà không có ưu điểm, không có khuyết điểm được, tất cả những điều đó là hoàn toàn bình thường và từng đồng chí lãnh đạo cũng tự kiểm điểm ưu điểm, tự kiểm điểm khuyết điểm, đồng thời phải đưa ra giải pháp khắc phục khuyết điểm đó, để quá trình thực thi nhiệm vụ của mình được tốt hơn. Còn nếu như anh chưa thấy ưu điểm cũng giống như chưa thấy khuyết điểm, thì tập thể phải góp ý để đồng chí nhận ra, tiếp thu và kiểm nghiệm lại chính mình như thế là đúng để trong thời gian tới làm việc được tốt hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết trong các cuộc bỏ phiếu bình xét cán bộ thì bao giờ lãnh đạo cơ quan cũng có số phiếu cao nhất như vậy là thiếu khách quan, chưa công bằng, ông có nhận định gì về vấn đề này?
Nói như thế là cũng không thỏa đáng, việc bình xét tốt hay không tốt, khách quan hay không khách quan là do từ tập thể bình bầu. Chứ tại sao vẫn có trường hợp thủ trưởng đơn vị chưa chắc đã được bình xét tốt hơn nhân viên, không phải cứ là lãnh đạo thì sẽ được bình bầu là tốt. Ai tốt thì bản chất của nó, sự việc của nó phải thật sự là tốt. Chỉ có những tổ chức không dám đấu tranh, sợ bị trù dập, hay là do thủ trưởng cơ quan đó tạo ra nguyên tắc trong sinh hoạt cơ quan mất dân chủ, mất đoàn kết, bè phái, điều đó pháp luật không cho phép thì mới xảy ra điều méo mó và những hình ảnh không đúng ấy, mà điều đó là cá biệt, có nhưng không nhiều, theo tôi cũng phải hết sức cảnh giác với những hiện tượng ấy.
Xin cảm ơn ông!