Không có dưa kiệu còn gì là tết
Từ lúc cả nhà xúm xít lặt kiệu, chụm đầu rúc rích nói cười là đã thấy Tết. Phải chăng, Tết chỉ cần sum vầy, cả nhà vui vẻ bên nhau?
“Năm nay tình hình vầy không biết má có làm dưa kiệu không Út?”, câu hỏi của chị Hai khiến tôi nôn nao nhớ tết sắp về. Chữ “tình hình” của chị Hai, nghĩa là dịch Covid-19 đáo tới đáo lui, dằn vật tơi bời từ quê tới phố thị, nên không biết quê nhà có kiệu không? Má có tinh thần để làm không?
Gọi về cho má, tôi dông dài một hồi mới dám lặp lại câu hỏi của chị Hai. Má nói: “Làm chớ con, Tết mà không có dưa kiệu còn gì là tết. Dịch giã rầu lắm rồi, càng phải làm dưa nhiều chút để vui”. Chị Hai mừng hí hửng, dặn má nhớ làm nhiều nhiều, phần con phải hai hũ.
Để kiệu trắng giòn là cả công đoạn khó nhọc. |
Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp, cả nhà tôi đã xúm xít lặt kiệu cho má làm dưa. Nhìn xề kiệu đầy vun đã thấy mỏi lưng. Kiệu mang về má ngâm cho bong vỏ lụa rồi cắt bỏ ngọn và rễ. Ngâm nước muối qua đêm, rồi ngâm phèn cho kiệu trắng. Ngâm rồi phải xả tới xả lui cho kiệu hết hăng. Hồi nhỏ, tôi chạy chơi quanh xóm một lát là phải chạy về thay nước cho thau kiệu. Có năm kiệu bị hăng, cay nồng, tôi bị má la cái tội ham chơi. Mấy hũ kiệu năm đó má không dám cho ai, cả nhà ăn mấy tháng mới hết.
Kiệu xả sạch rồi má phơi nắng cho kiệu giòn, rồi ướp đường, phơi thêm ba ngày nữa. Công đoạn sắp kiệu vô hũ mới… thấy ghét. Cả thau kiệu bự mà phải gắp từng củ xoay quanh hũ sao cho đều. Ngồi muốn gãy lưng mà thau kiệu mới quá nửa. Tôi hay làu bàu: “Đàng nào cũng vô bụng, má bày vẽ chi cho cực”. Má cốc đầu tôi, mắng yêu: "Con gái lười biếng vậy sau này làm sao làm dâu hả con?".
Thành quả của cả nhà. |
Mấy ngày Tết, món thịt kho nước dừa không thể thiếu dưa kiệu. Củ kiệu giòn, chua chua ngọt ngọt, đánh bay cái ngấy của thịt mỡ. Ăn bánh chưng chiên kèm củ kiệu, tôm khô… hết cái bánh lúc nào không hay. Món cá hấp cuốn bánh tráng thì tô nước mắm không thể thiếu củ kiệu xé nhỏ, nước mắm thơm, chua ngọt vừa miệng. Buổi trưa buồn buồn, chị Hai nhóm lửa nướng khô mực, tôi bày ra dĩa dưa kiệu. Ba má cùng mấy chị em ngồi bên hè vừa ăn vừa tám đủ chuyện trên trời dưới đất...
Dường như đó là quãng vui nhất trong năm, cả nhà được thảnh thơi ăn uống, nói cười, không phải sấp mặt lo cơm áo, công việc, học hành... Mùi tết của tôi gắn liền mùi dưa kiệu từ dạo đó.
Chị bạn tôi kể rằng lần về quê thấy má chị mua quá trời kiệu. Chị ngán lặt nên càu nhàu má làm chi cho cực, ra chợ mua kiệu làm sẵn là được rồi. Má nói mỗi lần nhìn chị ngồi nhẩn nha lặt kiệu, nói cười gì đó... là má yên trong dạ, không phập phồng lo này lo kia. Má được nhìn chị lâu chút, nghe tiếng chị nhiều chút, vậy đã đủ vui, đủ Tết. Chị chảy nước mắt, ray rứt mãi vì đã không hiểu lòng má. Giờ con gái chị sang Mỹ du học, chị cũng giống má, muốn con về lụi hụi làm gì đó để chị được nghe con nói cười, để thấy Tết đang ở đây rồi...
Những ngày giáp Tết, lối xóm mang cho mấy con khô nhà làm, vài con cá lóc mới tát đìa, má cho lại hũ kiệu mang về. Kiệu má làm giòn ngọt, ai cũng thích. Năm nào không đủ kiệu để cho lối xóm, má áy náy như thể mắc nợ. Vậy nên Tết năm nào má cũng ra chợ lựa kiệu, mấy chị em thì xúm xít lặt, phơi, xếp vô keo… Làm thì than trời trách đất nhưng chưa năm nào thiếu dưa kiệu.
Đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên, Tết này khác Tết xưa, nhưng với tôi từ nhỏ tới giờ vẫn vậy, từ lúc cả nhà xúm xít lặt kiệu, chụm đầu rúc rích nói cười là đã thấy Tết. Phải chăng, Tết chỉ cần sum vầy, cả nhà vui vẻ bên nhau? Ăn Tết hay chơi Tết đâu có gì quan trọng, quan trọng là cả nhà đủ mặt, không thiếu một ai.
Năm nay dịch giã vầy má nói phải mua hơn chục kí kiệu, cả nhà xúm xít lâu chút mới nói hết chuyện, nhìn ngó nhau lâu chút mới thỏa lòng, để ba má được ở với các con lâu hơn, ngẫm sự bình an của cả nhà để yên trong dạ.
Tết rồi, nhà bạn mua kiệu về làm chưa?
Theo www.phunuonline.com.vn