Không có chuyện “chạy chọt” nâng cấp, mở rộng đô thị
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc nâng cấp và mở rộng đô thị trong thời gian qua là một nhu cầu tất yếu, khách quan không thể tránh được, vì đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Ở đây có hai khía cạnh: thứ nhất là mở rộng nâng cấp tự phát dẫn đến không có sự quản lý và kiểm soát của Nhà nước và không đúng theo ý định của người quản lý; thứ hai là nâng cấp mở rộng đô thị theo quy hoạch, quản lý. Chẳng hạn nâng cấp đô thị để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, trực thuộc Trung ương; nâng cấp đô thị trở thành thị trấn, phường thì kế hoạch này theo Nghị định 62 của Chính phủ địa phương phải làm…
“Do nhu cầu khách quan phát triển, các địa phương lập đề án, sau đó chính quyền, HĐND địa phương đó thông qua và Bộ Xây dựng trình Chính phủ mở rộng địa giới các quận, huyện, thị xã. Kế hoạch mở rộng quận, huyện, thị xã qua nhiều cấp đến như vậy, tôi nghĩ rằng không có chuyện “chạy” để nâng cấp, mở rộng thị xã, thành phố” – Bộ trưởng Dũng cho biết.
Bởi vì sự nâng cấp, mở rộng thành phố, thị xã là khẳng định sự phát triển của mỗi địa phương. Ngoài ra, sự phát triển đó còn khẳng định cơ cấu quản lý cho phù hợp, tạo sự phát triển đô thị bền vững. Chẳng hạn từ thị xã lên thành phố, cấp quản lý không thay đổi nhưng chất lượng quản lý sẽ khác.
Do vậy, đây là công việc chúng ta phải làm và phải công nhận sự phát triển của địa phương. Nếu chúng ta không công nhận thì nó vẫn phát triển, nhưng sẽ thiếu quản lý, thiếu quy hoạch đồng bộ… Tuy nhiên, trong phát triển đô thị phải có kế hoạch, chứ không phải cứ thích phát triển đô thị thì phát triển, nhưng lại không có nguồn lực, để đất bỏ hoang, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ.
Việc phát triển đô thị thiếu quy hoạch sẽ lãng phí đất đai, cơ sở hạ tầng không đồng bộ |
Vấn đề chất lượng đô thị ở nước ta trước đây rất kém, vì những năm qua ở nước ta tốc độ đô thị hóa rất nhanh, từ 19% năm 1999 tăng lên 32% năm 2013. Hiện nay, chúng ta có khoảng 760 đô thị các loại và người dân đô thị ngày càng được hưởng thụ thành quả phát triển đô thị, chất lượng đô thị hiện nay ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng phát triển đô thị hiện nay chưa tương xứng với mong muốn của chúng ta, còn rất nhiều hạn chế, phát triển chưa đồng đều, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vệ sinh, môi trường đô thị còn kém…
Với nguồn lực hiện nay, chúng ta đã đầu tư nhiều cho đô thị rồi. Nếu chúng ta tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển đô thị thì sẽ chênh lệch với vùng nông thôn, và sẽ phát triển không hài hòa, tiến bộ và công bằng xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, thị trường BĐS đang trầm lắng, nguyên nhân thuộc về công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm từ trung ương tới địa phương. Dự án so với nhu cầu phát triển của thị trường BĐS quá thừa. Sản phẩm cho người thu nhập thấp, trung bình mà người dân đang cần lại thiếu.
Các luật hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo trong hoạt động kinh doanh BĐS liên quan đến phát triển đô thị và nhiều luật, từ đất đai, đầu tư, BĐS do nhiều bộ ngành có trách nhiệm chủ trì soạn thảo. Kiểm soát kế hoạch phát triển đô thị còn thiếu chế tài, người đầu tư cho phát triển đô thị, đặc biệt doanh nghiệp lách luật, dẫn đến chênh lệch cung cầu trong thời gian qua.
Cơ quan quản lý chưa kịp thời bổ sung những văn bản pháp luật để khắc phục thực trạng này. Ngoài ra cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát như phê duyệt dự án, cấp phép, trong đó có Bộ Xây dựng. Trách nhiệm của các địa phương chưa chủ động kiểm tra, xây dựng kế hoạch thực hiện…
Theo Bộ trưởng Dũng, để khắc phục tình trạng tự phát thiếu quy hoạch, Bộ Xây dựng đã tìm nguyên nhân, đổi mới quan điểm tiếp cận thay đổi. Thay vì quá đi sâu và số lượng, giờ đây chú trọng vào chất lượng văn bản. Nghị định số 11 đã được ban hành, trong đó tăng cường kiểm soát thống nhất từ trung ương đến địa phương nêu rõ, các dự án phát triển đô thị khi được giao để thực hiện phải có quy hoạch phân khu, được giao trên cơ sở hình thành của các đô thị, phải có kế hoạch của các khu quy hoạch đô thị...