Khống chế lãi suất, tiền lại chạy khỏi ngân hàng
Khống chế lãi suất, tiền lại chạy khỏi ngân hàng
Lo ngại rủi ro NH nhỏ
Không khẳng định chắc chắn có sự dịch chuyển vốn trong hệ thống tài chính thời gian qua, nhưng một chuyên gia tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nhiều khả năng tình hình thanh khoản chưa ổn định ở một vài nhà băng, nhất là các nhà băng nhỏ. Và để giải bài toán thanh khoản trong ngắn hạn, buộc số này phải đưa mức lãi suất các kỳ hạn gửi ngắn lên kịch trần. Thậm chí, có nhà băng còn nghĩ ra cách “lách” khá tinh vi, lãi suất ngày, lãi suất qua đêm cũng được tính lãi 14%/năm nhằm thu hút lượng gửi tiền từ dân cư.
Từ 1/10, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng là 6%/năm. Ảnh minh hoạ: IE |
Vì thế, Thông tư 30 của NHNN được vị chuyên gia này đánh giá sẽ là giải pháp tốt để chặn đà, tránh cuộc đua lãi suất đang âm thầm diễn ra trong hệ thống tài chính, đồng thời phòng ngừa rủi ro trong nguồn vốn huy động của các NH. Còn PGS-TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc trường Đào tạo nhân lực của Vietinbank thì cho rằng, ở một chừng mực nào đó Thông tư 30 sẽ có tác dụng trong ngắn hạn để lập lại trật tự thị trường đối với các NH “vượt rào”.
TS. Mùi cho rằng, khi lách trần ở thị trường 1 (thị trường của NH với khách hàng) chắc chắn các NH này sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản rất lớn, nhưng bà Mùi tỏ ra thông cảm với số ít NH này bởi đây là giải pháp “cực chẳng đã mới phải làm”. Trong tình hình kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc, nguồn vốn trong xã hội có hạn, các giải pháp sắp tới điều hành của NHNN cần mang tính thị trường nhiều hơn, bởi nếu gửi tiền tiết kiệm NH không còn hấp dẫn, người dân sẽ tìm tới những kênh vốn khác để đầu tư, dẫn tới tình trạng “NH nhỏ đã khó khăn về vốn sẽ càng thêm khốn khó”.
Về phía các NH, TS. Mùi cho rằng, khả năng có thể xảy ra là khi không còn “cửa” ở thị trường 1, các NH sẽ “đổ xô” vào thị trường 2 (thị trường liên NH), đẩy lãi suất khu vực này tăng lên nhanh chóng. “Các NH nhỏ đang rất vất vả níu giữ dòng tiền không ra khỏi hệ thống của mình khi NHNN quy định “trần” 14%/năm, nay lại thêm quy định các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng lãi suất 6%/năm thì khả năng tiền từ NH nhỏ “chảy” sang NH lớn là có thể. Trong lúc dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm tỉ trọng lớn, các hạn huy động vốn ngắn sẽ khiến chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng và thanh khoản dễ gặp rủi ro.
“NH nhỏ thiếu vốn, không còn thu hút được vốn từ dân cư nữa thì buộc lòng họ sẽ phải “nhảy” sang thị trường liên NH để vay, chắc chắn lãi suất liên NH sẽ tăng lên trong thời gian tới nếu NHNN không có biện pháp can thiệp kịp thời” – bà Mùi quả quyết, và cho rằng NHNN phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc để có đối sách tổng hợp, hài hòa với cả thị trường 1, thị trường 2, lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ…
Hết thời “tiền dễ, tiền rẻ”
Chị Lê Thu Hà, công tác tại một DN xây dựng chia sẻ, với quy định mới áp lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn chỉ ở mức 6%/năm, chị và một số người thân đã quyết định chờ đến hạn rút sổ tiết kiệm của gia đình để mang tiền về đầu tư vào lĩnh vực khác. “Hịên tôi cũng chưa biết nên đưa tiền vào gì, nhưng với lãi suất xuống mức thấp như vậy thì gửi tiền sốt ruột lắm, không đủ bù trượt giá, dù đầu tư vào lĩnh vực nào bây giờ cùng khó khăn và nhiều rủi ro...”, chị Hà nói.
Lo ngại lãi suất huy động đang dần “rẻ” đi sẽ khiến dòng tiền chạy ra khỏi hệ thống NH, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết, thời gian qua chưa thấy có dấu hiệu dòng vốn chạy từ NH này sang NH khác, nhưng việc huy động vốn của các NH sụt giảm là có. Thực tế, lãi suất huy động giảm khiến một bộ phận dân cư chuyển tiền qua kênh đầu tư khác.
Điều này dễ dàng nhận thấy, khi tuần qua giá vàng giảm, khiến người dân càng đổ xô đi mua vàng, trong số đó không ít người rút tiền tiết kiệm để mua vàng để tích trữ, vì cho rằng “vàng vẫn là kênh trú ẩn vốn an toàn nhất”.Theo ông Vinh, nguồn vốn ưu đãi được các ngân hàng đưa ra theo các gói, các chương trình tập trung cho các lĩnh vực có định hướng của NHNN. Hoạt động cho vay của các NH sẽ có tính chọn lọc cao hơn, tập trung cho các nhóm đối tượng, các lĩnh vực có sức hấp thụ tốt, thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế để phát huy hiệu quả và giá trị của đồng vốn.
“Còn mức độ giảm lãi suất vay đến đâu thì các NH phải tính toán, bởi lãi suất thể hiện cả yếu tố rủi ro, nếu NH chấp nhận các dự án rủi ro cao thì NH phải có những điều kiện để quản ký rủi ro. Bằng chứng là nếu các NH tiếp tục cho vay tiêu dùng, bất động sản thì lãi suất chắc chắn không thể giảm được. Với đà giảm của lạm phát những tháng cuối năm lãi suất chắc chắn sẽ hạ, nhưng cho vay ra sẽ có chọn lọc” - ông Vinh nói.
Nguyễn Hoài