Khơi nguồn thông tin
Trong những ngày đầu năm 2015, một thông điệp mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ về vấn đề thông tin trên Internet và mạng xã hội đã làm dậy sóng dư luận với những phản ứng hết sức tích cực. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, nói về công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng khẳng định: “Công tác thông tin bây giờ đòi hỏi nhanh lẹ, kịp thời để đáp ứng quyền được thông tin của người dân và tạo đồng thuận xã hội. Hiện nay mạng xã hội rất phát triển, tôi được biết trong nước có vài chục triệu người đang sử dụng mạng xã hội. Bật điện thoại là có thể lên Facebook. Thông tin đưa lên mạng ta không cấm, không ngăn được. Vì thế quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời từ đó tạo niềm tin. Đó là nguồn tin chính thống từ Chính phủ. Những thông tin nào chưa đúng làm người dân phân tâm thì phải nói lại để xã hội hiểu đúng".
Với cách diễn đạt giản dị và thẳng thắn, tuy chỉ đề cập đến một nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng Chính phủ nhưng phát biểu nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứa đựng những nội dung mang tính quan điểm chỉ đạo sâu sắc đối với toàn bộ công tác thông tin truyền thông trong bối cảnh bùng nổ Internet và mạng xã hội.
Trước hết, đó là sự đánh giá đúng bản chất của thông tin trên Internet và mạng xã hội và yêu cầu khai thác, sử dụng Internet một cách hiệu quả phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị. Với khoảng 30% dân số (trên 30 triệu người) kết nối và thường xuyên sử dụng Internet, 70% trong số đó (trên 20 triệu người) sử dụng mạng xã hội Facebook và một số mạng xã hội khác, trong đó đa phần là giới trẻ, sinh viên, học sinh, công chức, viên chức…, có thể khẳng định rằng, ảnh hưởng của Internet và mạng xã hội ở nước ta đến quan điểm, nhận thức, tình cảm của đa số người dân là vô cùng lớn. Một thông tin được coi là “nóng” được tung lên mạng xã hội, chỉ sau mấy giây đã có thể đến được với hàng triệu người. Thật khó có phương tiện thông tin nào lại hiệu quả đến vậy. Một đặc điểm quan trọng bậc nhất của thông tin trên Internet và mạng xã hội là tính tự do, đúng như Thủ tướng đã nói: “Thông tin đưa lên (mạng xã hội) ta không ngăn, không cấm được”.
Thực tế đã chỉ ra rằng, với những luồng thông tin tiêu cực, bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc trên Internet, việc sử dụng những biện pháp hành chính hay kỹ thuật để ngăn cản là rất ít hiệu quả. Những trang web hay tài khoản mạng xã hội chuyên tung tin xuyên tạc luôn tồn tại như những con quái vật “chặt đầu này mọc đầu khác” khiến cơ quan quản lý luôn vất vả chạy theo để ngăn chặn. Vì vậy, với thế giới ảo, cần một tư duy tiếp cận mới phù hợp, không thể dùng tư duy quản lý cũ, trong thế giới thực để quản lý thế giới ảo.
Tư duy quản lý mới, nói giản dị như Thủ tướng đã chỉ đạo, là: “Quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời từ đó tạo niềm tin. Đó là nguồn tin chính thống từ Chính phủ. Những thông tin nào chưa đúng làm người dân phân tâm thì phải nói lại để xã hội hiểu đúng". Chủ động, cởi mở, dùng thông tin đúng, chính xác, minh bạch để dẹp bỏ, vô hiệu hóa những thông tin xuyên tạc, vu khống, đó chính là cách quản lý, cách ứng xử hiệu quả nhất đối với thông tin trên Internet và mạng xã hội.
Vừa phát huy tối đa những ưu thế của Internet và mạng xã hội để phục vụ các nhiệm vụ thông tin, truyền thông, ngăn chặn có hiệu quả những ảnh hưởng tiêu cực của những luồng thông tin độc hại, vừa bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, đó chính là tinh thần cốt lõi trong chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ trước thềm xuân mới.
Để thực hiện được điều đó, không chỉ cần sự nỗ lực vào cuộc của Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT mà còn cần sự đổi mới trong nhận thức của tất cả các cấp, các ngành về công tác thông tin, truyền thông và cách ứng xử với thông tin trên Internet và mạng xã hội. Đồng thời với việc tăng cường thực thi pháp luật, giữ nghiêm kỉ cương, xử lý nghiêm minh theo pháp luật những hành vi vi phạm trong việc đưa thông tin trên Internet , cũng cần sự chủ động cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin cho báo chí, chủ động đưa thông tin lên Internet, sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả. Đồng thời, cũng không thể thiếu những công cụ pháp lý nhằm bảo đảm cho chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đi vào thực tế. Đó chính là 2 dự án luật quan trọng: Luật Báo chí (mới) thay thế Luật Báo chí năm 1989 do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo và Luật Tiếp cận thông tin, do Bộ Tư pháp chủ trì, đang được khẩn trương triển khai để trình Quốc hội trong thời gian tới.