Khó hiểu lãnh đạo Hà Nội mua nước sông Đuống đắt gấp đôi: Cần kiểm toán vào cuộc
Hiện nay TP Hà Nội đang có hai đơn vị bán buôn nước sạch lớn nhất là Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước mặt Sông Đà.
Nhà máy nước sạch Sông Đuống có tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm và tổng đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. từ khi dự án đang trong quá trình xây dựng, lãnh đạo TP Hà Nội có văn bản “lạ” về mức giá nước mua buôn gấp đôi so với với giá bán lẻ nước bậc 1 hiện nay.
Cụ thể, trong văn bản số 3310/UBND-KT ký ngày 6/7/2017 của UBND TP Hà Nội, thành phố đã chấp thuận giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Chuyên gia đề nghị phải kiểm toán nhà nước đối với Nhà máy nước Sông Đuống.... |
Giá nước mua của Công ty CP Nước sạch Sông Đà được thành phố phê duyệt năm 2016 mức giá là 5.069,76 đồng/m3.
Như vậy, mức giá nước sạch sông Đà được Hà Nội phê duyệt chưa bằng một nửa so với giá nước sạch sông Đuống.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao Hà Nội lại chấp nhận mua giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống cao gần gấp đôi so với nước sinh hoạt của công ty khác? Và ngân sách Hà Nội đang phải "tự nguyện bù lỗ" vì chấp nhận "mua đắt bán rẻ" nước sinh hoạt của người dân?
Lý giải về sự đắt đỏ, đại diện Nhà máy nước Sông Đuống đã trả lời trên báo chí rằng: Do công ty đầu tư với dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, do việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.
Thậm chí, bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty nước mặt Sông Đuống cho biết, việc xây dựng nhà máy nước “có tới 60% nguồn vốn được sử dụng là vốn huy động, do đó, doanh nghiệp thực sự cũng đang phải “gồng mình”…
Trao đổi với PV Infonet, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho rằng, lý giải của Nhà máy nước Sông Đuống là không hợp lý, bởi lẽ tuyến ống nước thì dự án nào cũng phải dùng, cái chính là chủ đầu tư phải tính toán để đưa ra mức giá bán nước hợp lý.
Theo ông Uyển, bất kỳ công nghệ nào thì khi sản xuất nước xong đều phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong xây dựng nhà máy nước, công suất nhỏ thì giá lại đắt hơn công suất lớn, vì thế công suất càng lớn giá thành càng rẻ. Do đó, chủ đầu tư nào cũng muốn xây dựng nhà máy nước to.
Một chuyên gia cao cấp ngành nước đề nghị không nêu tên khẳng định:
“Đó là quyết định “lạ” của Hà Nội, nhiều khi có nhiều cái rất khó hiểu. Tại sao phải chấp nhận mua nước mức giá cao như vậy? Vì sao giá thành của Nhà máy nước Sông Đuống đến hơn 10.000 đồng/m3, họ kê ra là đầu tư đến 5.000 tỷ. Vậy là chết rồi, họ đi vay đầu tư rồi bắt người dân phải chịu giá thành đầu tư quá cao và chịu lãi suất vay ngân hàng thương mại ở từng m3 nước là bất hợp lý”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
“Kiên quyết đề nghị phải kiểm toán nhà nước đối với Nhà máy nước Sông Đuống”, vị chuyên gia này đề nghị.
Cũng theo chuyên gia này, việc xử lý nước mặt thì công nghệ ở hai nhà máy nước là như nhau, chỉ khác ở thiết bị nên có thể chênh lệch giá ở thiết bị… nhưng cũng không thể làm tăng giá thành nước, chênh nhau giữa hai nhà máy nước như vậy.
Còn việc Nhà máy nước Sông Đuống lý giải một phần giá nước cao là do phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện… thì chuyên gia này cho rằng, đó là giá thành dịch vụ lại là câu chuyện khác, không phải là yếu tố làm tăng giá mỗi mét khối nước lên. Hơn nữa, sử dụng nước mặt thì nhiều khi giá thành còn có thể hạ thấp hơn giá nước ngầm.