Khó có thể kiểm tra nội dung 28.000 – 30.000 tên sách/năm
Chiều 24/12/2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, đại diện của một số Vụ, Cục thuộc Bộ TT&TT, và đại diện của các nhà xuất bản.
Tại Hội nghị, bà Mai Thị Hương, Trưởng Phòng Quản lý xuất bản chia sẻ những bất cập trong hoạt động đọc kiểm tra nội dung các xuất bản phẩm, một trong rất nhiều mảng công việc của Phòng.
“Mỗi năm Phòng Quản lý xuất bản phải nhận từ 28.000 – 30.000 tên sách để đọc kiểm tra nội dung. Để đọc khối lượng sách này, cần thuê hơn 100 cộng tác viên, chuyên gia đầu ngành để đọc. Nhưng hiện tổ cộng tác viên mới có 12 người.
Năm 2007, Bộ Tài chính và Văn hóa – Thông tin cũ ban hành Thông tư liên Bộ về thù lao thẩm định nội dung xuất bản phẩm. Lúc đó, mức chi trả thù lao khá cao, nhưng sau 6 năm trượt giá thì mức thuê thù lao này đã lạc hậu.
Mới đây, Bộ TT&TT cùng Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư liên Bộ mới, trong đó, mức thù lao được trả tương đối tương xứng với công sức đọc của chuyên gia. Quy định mới này khiến cộng tác viên hài lòng nhưng lại đẩy cái khó cho Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Vì ngân sách từ Bộ TT&TT giao cho Cục vẫn như những năm trước, trong khi thù lao cho người đọc lại tăng lên gấp 2 – 2,5 lần. Vì vậy, số cuốn đọc được trong năm 2014 giảm mạnh so với năm 2013. Ước tính để đọc kiểm tra lưu chiểu hết 30.000 tên sách thì cần tới 30 - 40 tỷ đồng.
Mong Bộ cân đối xem xét lại vấn đề này. Chúng tôi biết Chính phủ vẫn đang giữ chủ trương tiết kiệm triệt để, nhưng đối với công tác quản lý Nhà nước, có thể ví von rằng nếu không cung cấp nguyên liệu thì không thể đốt cháy bộ máy để vận hành quản lý”, bà Mai Thị Hương cho biết.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đề nghị tổ chức hội thảo về những bất cập trong công tác đọc kiểm tra nội dung các xuất bản phẩm. |
Ghi nhận hiện trạng bất cập nêu trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nói: “Một phòng không thể đọc hết 28.000 – 30.000 đầu sách mỗi năm. Có thêm 100 cộng tác viên cũng chưa chắc đọc được hết số sách đó. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ cho Cục Xuất bản, In và Phát hành mà cho cả Bộ TT&TT.
Sau này cần phải có hội thảo riêng bàn về chuyên đề này. Trong bối cảnh khó khăn, nhu cầu nhân lực tăng cao nhưng biên chế lại không được tăng, đây là 2 vấn đề của 1 bài toán mà chúng ta sẽ phải xử lý trong năm 2015”.
Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2014 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, trong đó có 52 nhà xuất bản thuộc các cơ quan Trung ương và 11 nhà xuất bản địa phương. Nhìn chung, các nhà xuất bản đã chủ động khai thác nguồn bản thảo trong và ngoài nước, cố gắng huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho hoạt động xuất bản. Vì vậy, về cơ bản, ngành xuất bản, in và phát hành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng về số cuốn và số bản so với năm 2013. Nội dung và chất lượng sách cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội và hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.