Khi sao “hớ hênh”: “Đã nổi tiếng thì phải học cách sống với thị phi”
Cái gì cũng có căn nguyên của nó, không phải ngẫu nhiên cộng đồng mạng lại quan tâm đến những hành xử hớ hênh của giới nghệ sĩ, người nổi tiếng. Mà tần suất xuất hiện lại nhiều đến thế? Để lý giải về vấn đề này, và tìm những cách ứng xử phù hợp là điều rất cần thiết.
Cùng góp lời với độc giả, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long về vấn đề này.
Thưa anh, gần đây có nhiều câu chuyện về hành xử của người nổi tiếng trở thành đề tài "nóng" trên báo chí và mạng xã hội, chẳng hạn như hoa hậu ngủ ghếch chân, ca sỹ cho con tè vào túi nôn. Theo quan điểm của anh, sao có nhiều chuyện như vậy?
Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ người nổi tiếng đã có ý thức xây dựng và bảo vệ hình ảnh của mình, nhưng họ vẫn còn đang khu trú định nghĩa "công chúng" vào một nhóm người, đám đông cụ thể quen thuộc với công việc và nghề nghiệp của họ. Thí dụ như với hoa hậu thì coi "công chúng" là những người đi tham dự event, những người đi coi biểu diễn, chụp hình... Với ca sĩ thì coi "công chúng" là khán giả nghe hát, xem liveshow, những người hâm mộ tham dự họp fanclub v.v...
Chính vì lý do đó, rất nhiều người nổi tiếng kêu trời khi các phát ngôn trên facebook của họ bị báo chí "bê" về đăng bài, dư luận thì mang ra mổ xẻ. Họ nói rằng facebook là nơi riêng tư, thích nói gì thì nói, chẳng ảnh hưởng đến ai và đó là ngôi nhà của họ. Nhưng thực tế, dư luận không cùng quan điểm đó.
Dư luận vẫn coi đó là miệng "mồi ngon" để mang lên "bàn nhậu". Một thời gian dài như vậy, người nổi tiếng đã bắt đầu quen và nhận thức được rằng người dùng facebook cũng là "công chúng" và tốt hơn hết, nên giữ gìn hình ảnh với nhóm "công chúng" đặc biệt này. Tiến thêm một bước, giai đoạn này có nhiều vụ lùm xùm liên quan đến người nổi tiếng ở những khu vực "khá lạ" như trong quán bar (Hồ Ngọc Hà), trên máy bay (Lệ Quyên, Kỳ Duyên)…
Ca sĩ bị "ném đá" vì cho con tè vào túi nilon |
Tất nhiên, với các môi trường truyền thông cũ thì những sự vụ như vậy sẽ ít rùm beng, nhưng khi có sự tiếp tay của mạng xã hội thì môi trường "nhỏ" đấy được kết nối ngay tức khắc với môi trường "lớn" hơn, và sự việc trở nên bung bét. Người nổi tiếng giờ đây nên mở rộng định nghĩa "công chúng" và "khán giả" để từ đó nâng cao ý thức bảo vệ hình ảnh của mình mọi lúc mọi nơi và với tất cả mọi người. Đó là mặt trái khá "nguy hiểm" vì sự phổ cập ngày càng rộng rãi của smartphone, mạng xã hội.
Quan điểm của anh, những hành động đó có đáng để phê phán nhiều như vậy không?
Tuỳ vào từng trường hợp từng sự vụ mà câu hỏi này sẽ có những đáp án khác nhau. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các chuẩn mực về văn hoá là khác nhau với mỗi cá nhân, mỗi vùng miền và từng giai đoạn. Không quan trọng việc chúng ta đánh giá bản chất của mỗi sự vụ là đáng hay không đáng phê phán mà cái chính nằm ở bản lĩnh của người nổi tiếng có sẵn sàng đối mặt với các chỉ trích của dư luận hay không?
Thí dụ như, ở vào thời điểm mà mọi người còn rất khắt khe với việc phụ nữ không mặc áo ngực thì ca sĩ Mai Khôi đã tiên phong với trào lưu ấy. Dư luận nói gì cô ấy cũng chẳng quan tâm. Cô ấy có cá tính và quan điểm riêng.
Đến giai đoạn này, mọi người đã cởi mở hơn với áo ngực. Thậm chí người ta còn làm cả một chiến dịch để kêu gọi phụ nữ không mặc áo ngực vì nguy cơ ung thư vú. Vậy những hành xử trong quá khứ của Mai Khôi là đáng hay không đáng bị phê phán dữ dội như vậy?
Phải chăng gần đây, dư luận đang quá khắt khe với "người của công chúng"?
Dư luận luôn tò mò về đời tư của người nổi tiếng. Điều ấy mang tính lịch sử, kế thừa và sẽ tiếp tục "phát huy" dài dài trong tương lai. Đã nổi tiếng thì phải học cách sống với thị phi.
Liệu có sự chuyển dịch nào từ tâm lý thần tượng, "cái gì của thần tượng cũng đẹp", sang một dạng thức tâm lý khác trên mạng xã hội không?
Tôi nghĩ là không. Vì những cuộc tranh cãi hay ném đá hội đồng trên mạng xã hội không xuất phát từ những người thần tượng nghệ sĩ (fans hâm mộ). Thậm chí, càng xuất hiện nhiều lùm xùm thì những fans hâm mộ còn càng đoàn kết, cuồng nghệ sĩ hơn và ra sức bảo vệ người họ yêu quý. Còn tất nhiên, việc có một số lượng nhỏ những người có quan điểm trung dung bị "đổi chiều" là vấn đề không tránh khỏi. Nhưng tôi không cho rằng nó mang tính đại diện.
Trước những biểu hiện này, theo anh, người làm truyền thông nên ứng xử thế nào, nhất là những người làm hình ảnh có người của công chúng?
Họ phải nâng cao "cảnh giác" mà giữ gìn hình ảnh mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm và với mọi người. Thực ra, ông bà ta đã nói "người làm sao thì chiêm bao làm vậy" cho nên nếu thực sự nghệ sĩ có phông văn hoá lùn, nền tảng kiến thức xã hội thấp, bản tính giang hồ đầu trộm đuôi cướp... thì có cố tô vẽ thế nào rồi cũng có lúc bị "bại lộ" ngay thôi.
Cho nên người nổi tiếng nên hiểu và chấp nhận việc đó để chọn một trong hai phương án.
Hoặc là sống thật với chính bản thân mình, thì sẽ không bao giờ bị hớ, bị làm cho dư luận "sửng sốt" nữa. Thí dụ như Ngọc Sơn là thí dụ điển hình. Ca sĩ này có sở thích mặc quần lót lên mạng chat, đò đưa với ngay cả phóng viên đến nhà phỏng vấn, lên sân khấu vừa hát vừa... tập tạ! Người ta nói Ngọc Sơn khùng một thì tự anh ấy nhận mình khùng mười. Vậy là thôi, chẳng ai quan tâm mà bình phẩm.
Hoặc phương án thứ hai là giữ gìn hình ảnh một cách triệt để chứ không được nửa mùa. Nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp như Hàn Quốc làm điều này rất tốt. Họ có những quy chế ngặt nghèo với nghệ sĩ, khiến cho những người này gần như sống với "một con người khác", một "hình ảnh khác"... vốn là thứ mà công chúng luôn muốn nhìn thấy nơi họ.
Còn nghệ sĩ Việt Nam ta thì nhiều người đã quen với kiểu đeo mặt nạ, sống “thảo mai thảo quả” từ rất lâu rồi. Một số người trong giới showbiz thậm chí coi chuyện hiền lành lịch sự trên sân khấu đèn mầu rồi tráo trở hung hãn ăn nói tục tĩu ở quán nhậu lề đường, nơi hậu trường đường phố là việc hết sức bình thường.
Cách làm việc và kiểu xây dựng hình ảnh không chuyên nghiệp như vậy sẽ còn gây ra nhiều tai nạn và dư luận sẽ phải sửng sốt dài dài.
Cảm ơn anh!