Khi DN buộc phải lách Nghị định, Nhà nước thất thu thuế
DN nhỏ và vừa bị làm khó
Công ty TNHH Cỏ May là một doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Đồng Tháp chuyên chế biến và kinh doanh gạo xuất khẩu từ năm 1986. Cỏ May có nhà máy chế biến và đóng gói gạo công suất lên đến 80.000 tấn gạo/năm và là một trong số rất ít doanh nghiệp xuất khẩu được gạo sang Singapore với giá bán từ 1.800 – 1.900 USD/tấn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang các thị trường khác thường chỉ ở mức giá trên dưới 600 USD/tấn.
Tuy nhiên, câu chuyện của doanh nghiệp này lại là minh chứng cho việc làm chính sách kiểu “trên trời” của cơ quan quản lý. Năm 2014, sau khi đã đàm phán xong với phía đối tác Singapore để xuất khẩu gạo sang thị trường này, Cỏ May lại gặp trục trặc khi đối tác nghi là “cò” và bị từ chối ký hợp đồng. Lý do là Cỏ May không được nhà nước cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp mà phải xuất ủy thác qua một doanh nghiệp khác để lách Nghị định 109/2010/NĐ-CP ban hành năm 2010 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tại Điều 4 của Nghị định 109 quy định: Thương nhân xuất nhập khẩu gạo phải có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc. Đồng thời phải có ít nhất 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Để lách Nghị định này, Cỏ May phải sang Singapore lập một công ty con lấy tên Cỏ May Singapore để nhập gạo của chính mình qua một đối tác trong nước không có thị trường nhưng có quyền xuất khẩu trực tiếp. Việc làm này của Cỏ May khiến chi phí xuất khẩu gạo tăng thêm 2 USD/tấn. Cỏ May Singapore phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 17% cho Chính phủ nước sở tại. Trong khi tại Việt Nam, cơ quan thuế không thu được đồng thuế nào của Cỏ May Việt Nam vì “hai Cỏ May” bán huề vốn khi xuất khẩu.
Như vậy, Nghị định 109 không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn gây thất thu thuế cho Chính phủ. Trước khi ban hành Nghị định 109, cả nước có 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp, nhưng sau khi ban hành Nghị định, chỉ chỉ còn 100 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp. Điều này cũng lý giải thực trạng là người ta có thể dễ dàng bắt gặp sản phẩm gạo Việt Nam bày bán trong các siêu thị ở nước ngoài, nhưng tên tuổi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam lại không được ghi trên bao bì sản phẩm.
Nhà nước chỉ nên kiến tạo
Câu chuyện của Cỏ May là đề tài được nhắc đến tại Hội thảo “Chính sách Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Tầm nhìn và Hành động” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức sáng 03/06/2016 tại Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải bắt buộc thương nhân/doanh nghiệp sở hữu kho chứa và cơ sở xay, xát hay không. Trong trường hợp này, rõ ràng các nhà làm chính sách không tính đến việc thị trường có thể điều tiết được nhu cầu về kho chứa và xay xát gạo. Thay vì đầu tư cho kho chứa và máy xay xát, doanh nghiệp có thể đi thuê dịch vụ từ một doanh nghiệp khác, từ đó tiết kiệm được vốn để phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp. Trong khi để đáp ứng được điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn do nhà nước sở hữu chiếm thế thượng phong.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Economica, tại những nước phát triển, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước họ đã coi doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng cần được bảo vệ. Những năm 80, các nước này chú trọng đến việc xúc tiến, hỗ trợ DNNVV và đến ngày nay, họ chú trọng việc kiến tạo, thúc đẩy với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
“Tại Việt Nam, Nhà nước có thể tạo động lực cho tư nhân kinh doanh và không nên cạnh tranh với tư nhân. Vai trò của Nhà nước trong phát triển DNNVV là kiến tạo, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Để đạt mục tiêu này, Nhà nước cần ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, ban hành chính sách tốt cho doanh nghiệp,” ông Lê Duy Bình nói.
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định, thể chế là do con người đặt ra, để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Nghị quyết 35 về việc hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giao UBND các tỉnh thành phải tổ chức tiếp xúc với doanh nghiệp 2 lần/năm, nhà nước phải phục vụ doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã chỉ đạo kể từ sau ngày 1/7/2016 phải loại bỏ hơn 3.000 giấy phép con.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, theo TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp), một loạt các văn bản dưới luật như Nghị định và Thông tư, thậm chỉ cả văn bản chỉ đạo đang tạo nên một sân chơi bất bình đẳng cho DNNVV.
TS. Lê Hồng Sơn cho rằng trong quá trình soạn thảo, xây dựng các dự thảo cần nghiên cứu khảo sát cần lấy ý kiến doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo, cần có cơ chế đa ngành, chống lợi ích nhóm, lợi ích ngành, đồng thời cần xác định trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 90/189 nước, tăng 3 bậc so với năm 2015. Về tiêu chí thành lập doanh nghiệp, thứ hạng của Việt Nam nằm ở khoảng giữa so với các nước tương đương trong khu vực, sau Malaysia và Thái Lan.